Đại biểu băn khoăn thu từ đất, thuế TNCN còn lớn

28/10/2022, 10:25
báo nói -

TCDN - Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cơ cấu ngân sách nhà nước chưa vững chắc, nguồn thu từ đất, từ thuế TNCN vẫn còn rất lớn trong khi đó thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu.

Sáng 28/10 phát biểu tại phiên thảo luận hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh những thuận lợi như tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế đã được bắt đầu hồi phục khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đã dần được ổn định và hoạt động có hiệu quả, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tổng thu ngân sách vượt dự toán rất cao, tăng hơn 14% so với dự toán. Đáng chú ý là doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 163.000 doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, đạt được những kết quả trên là do sự quyết tâm, đầy trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ, ngành, địa phương, đồng thuận của doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Tuy nhiên, đại biểu Hòa khẳng định vẫn còn một số vấn đề cần phải xem xét. Đó là cơ cấu ngân sách nhà nước chưa vững chắc, nguồn thu từ đất, từ thuế TNCN, vẫn còn rất lớn. Thu từ khu vực sản xuất kinh doanh chỉ bằng 1/3 tổng nguồn thu, trong đó có thu từ dầu hỏa. Mặc dù các doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng có địa phương thu rất cao, có địa phương thu thấp.

Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn trong việc dự toán thu từ sử dụng đất, thu từ các nguồn thu và cần có sự cân đối thực tế để có sự phấn đấu đạt, tránh những trường hợp dự toán thấp để vượt thu, hưởng tỷ lệ cho địa phương.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Chính phủ ước thu ngân sách tăng 2,9% là thấp vì GDP tăng 8%, lạm phát tăng trên dưới 4% thì mức tăng thu ngân sách nhà nước phải tương ướng. Cùng với đó, 9 tháng đã thu ngân sách nhà nước đã đạt 94%, từ nay đến cuối năm còn nhiều khoản thu như vậy sẽ vượt thu khá cao. Ước dự toán thu năm 2023 chỉ tăng so với 2022 là 0,4% là thấp, trong khi dự toán dư địa chúng ta rất khả quan.

Về thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo đại biểu đây là nguồn thu từ nhiều năm nay không đạt theo kế hoạch, ước thực hiện năm nay thấp hơn năm trước khi có dịch bệnh. Báo cáo Chính phủ có nhiều nguyên nhân trong đó có cơ chế pháp lý về vấn đề đất đai nhưng đại biểu cho rằng sự quan tâm của người đứng đầu mới là yếu tố quan trọng.

"Dự toán 2023 thu cao hơn năm 2022 một chút. Tôi thiết nghĩ thu cao thấp không phải là vấn đề mà là có tập trung quyết liệt hay không. Việc cổ phần hóa nhiều năm nay còn nhiều bất cập, giải thể, sáp nhập… còn quá khó khăn như đại biểu Hoàng Ngân đã chia sẻ. Đề nghị Chính phủ, người đứng đầu doanh nghiệp cần phê duyệt, cổ phần hóa quan tâm nhiều hơn để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra", đại biểu Hòa kiến nghị.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho biết, tình trạng gian lận, trốn thuế vẫn còn diễn ra trên một số lĩnh vực. Chỉ đạo xử lý nợ đọng có tiến bộ song còn tồn nhiều và có xu hướng phát sinh mới. Đại biểu đề nghị có giải pháp xử lý để hạn chế nợ đọng kéo dài. Những khoản nợ khó khăn mà hợp lý cần xóa theo quy định của pháp luật.

Vấn đề thu ngân sách nhà nước cũng được đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) quan tâm. Vị đại biểu này cho rằng, thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ các nguồn thu có liên quan tới đất, một số khoản thu không đạt dự toán, nợ đọng thuế có xu hướng gia tăng.

Trước đó, trong báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước không sát thực tế, còn quá thận trọng có thể đã làm giảm không gian của chính sách tài khóa, thu ngân sách 9 tháng đã đạt 94%, ước cả năm vượt dự toán hơn 14%.

Vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước chưa được bảo đảm. Tỷ trọng thu NSTW đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của NSTW, đặc biệt trong việc cân đối nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước và các vùng theo Chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.

Chất lượng thu ngân sách nhà nướccòn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô (đạt 213% dự toán do giá bình quân tăng 47,05 USD/thùng so với dự toán), xổ số kiến thiết, trong khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng chậm.

Thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp 3 năm không đạt dự toán, số thu thực tế rất thấp so với dự toán năm 2022, chỉ đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, giảm 37,2 nghìn tỷ đồng so với dự toán.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích, báo cáo làm rõ việc thu ngân sách nhà nước tăng cao trong bối cảnh số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể tăng cao và Nhà nước đang thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu giảm trong những tháng sắp tới, không giống xu thế thông thường cũng là vấn đề cần quan tâm làm rõ.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu băn khoăn thu từ đất, thuế TNCN còn lớn tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thuế TNCN, các khoản thu về nhà, đất đã vượt 108% dự toán
Ông Dương Tiến Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, đến hết tháng 9 thu nội địa có 5 khoản thu vượt dự toán là khoản thuế TNCN đạt 108,8%, các khoản thu về nhà, đất đạt 118,4%, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 104,2%, thu quỹ công ích và hoa lợi công sản khác đạt 113,3%.
Thuế TNCN, nhà đất đạt hơn 90% trong 7 tháng
Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2022 ước đạt 1.093,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, trong đó 3 khoản thu đạt trên 90% dự toán là thuế TNCN (đạt 90,1%), các khoản thu về nhà, đất (đạt 95,1%), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 93,4%).