Phát triển kinh tế số: Thách thức vẫn là thử thách

28/10/2020, 11:27

TCDN - Phát triển chưa đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế, giữa các vùng miền; sự kết nối của các thành phần kinh tế chưa cao; thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao… là thách thức lớn trong phát triển kinh tế số tại Việt Nam hiện nay.

PGS.TS Bùi Đức Thọ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc phát biểu

PGS.TS Bùi Đức Thọ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc phát biểu

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Nền kinh tế số: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 27/10, PGS.TS Bùi Đức Thọ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, nền kinh tế thế giới đang có sự thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Kinh tế số giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hoá và dịch vụ được nhanh chóng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, kinh tế số cũng tạo ra những thách thức mới như việc hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển. Với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực, việc nhận diện rõ những lợi thế và thách thức khi chuyển đổi sang nền kinh tế số là hết sức cần thiết.

TS. Nguyễn Trung Tuấn - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Kinh tế số nhận định, trong những năm qua, kinh tế số Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế số còn chưa đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế khác nhau, giữa các vùng miền khác nhau, nhận thức về kinh tế số chưa đồng đều trong xã hội, sự kết nối của các thành phần kinh tế chưa cao, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo TS. Nguyễn Thị Bạc Tuyết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phát triển kinh tế số tại Việt Nam cần tập trung một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực kinh tế số. Trong đó gồm: đội ngũ chuyên gia kinh tế số cao cấp, đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp số và đội ngũ chuyên viên, nhân viên của doanh nghiệp.

Trước mắt, Chính phủ cần tổ chức một nhiệm vụ kinh tế - xã hội với thời gian đủ phù hợp để hình thành một nhóm cộng tác các chuyên gia cao cấp thuộc các lĩnh vực liên quan để tham gia xây dựng một kế hoạch kinh tế số trung hạn. Một kế hoạch trung hạn được kiểm định trong thực tiễn sẽ tạo tiền đề xây dựng một chiến lwuocj quốc gia về kinh tế số dài hạn.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái số Việt Nam. Theo đó, để đạt được sự kết nối – chia sẻ nền tảng số, thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam cần trở thành thành phần chổ chốt trong toàn bộ hoạt động thương mại điện tử quốc gia như tại các nền kinh tế phát triển.

Về phía doanh nghiệp cần thúc đẩy tích hợp công nghệ số hóa, phát triển những giải phpas sản xuất kinh doanh dựa trên số hóa; thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn để tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức; sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế số: Thách thức vẫn là thử thách tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan