Phổ Yên, Thái Nguyên: Nguy cơ thất thu ngân sách từ nạn "đất tặc"

29/08/2022, 06:25
báo nói -

TCDN - Hàng nghìn m3 đất đã bị khai thác trái phép nhằm phục vụ cho một số dự án khu đô thị trên địa bàn TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng chính quyền sở tại chưa xử lý dứt điểm làm "chảy máu" tài nguyên, gây nguy cơ thất thu ngân sách.

Tài chính Doanh nghiệp vừa nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Minh Đức, TP Phổ Yên (Thái Nguyên) về việc nhiều tuần nay thường xuyên có đoàn xe tải ra vào khu vực đồi rừng tại thôn Thống Thượng để khai thác, vận chuyển đất trái phép phục vụ dự án khu đô thị trên địa bàn thành phố.  

Người dân còn cho biết, trong quá trình vận chuyển, các xe chở đất phóng nhanh vượt ẩu trên đường gây nguy cơ mất an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Khói bụi, tiếng ồn từ hoạt động khai thác, vận chuyển đất cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân địa phương. 

Hàng nghìn m3 đất đã bị khai thác trái phép.

Hàng nghìn m3 đất đã bị khai thác trái phép.

"Việc khai thác đất diễn ra từ tháng 7. Ban đầu họ chỉ làm vào ban đêm, sau đó, họ chuyển sang làm cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh sự việc lên UBND xã Minh Đức và đề nghị chính quyền có biện pháp ngăn chặn nhưng không thấy có kết quả gì" - một người dân bức xúc chia sẻ.

Chia sẻ với báo chí ông Trần Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết, việc khai thác đất trái phép diễn ra tại khu đất của ông Nguyễn Đình Nguyên, tại thôn Thống Thượng. Phần diện tích đất bị khai thác có khoảng 2.000m2 đất dịch vụ, phần còn lại là đất trồng cây lâu năm. Chính quyền địa phương cùng nhân dân trong xóm đã đến làm việc nhiều lần, thậm chí còn ngăn chặn xe nhưng cũng không ngăn cản được sự việc khai thác do cấp xã không có thẩm quyền được dừng, chặn xe để kiểm tra trọng tải. UBND xã Minh Đức cũng đã báo cáo lên UBND TP Phổ Yên, đề nghị công an thành phố phối hợp để xử lý dứt điểm nhưng vẫn chưa có hiệu quả.

Biên bản làm việc của UBND xã Minh Đức với các đối tượng khai thác đất trái phép.

Biên bản làm việc của UBND xã Minh Đức với các đối tượng khai thác đất trái phép.

Đặc biệt, theo thông tin người dân cung cấp, hàng nghìn m3 đất đã bị khai thác trái phép nhằm phục vụ cho việc san lấp một số dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn TP Phổ Yên. Điều đáng bàn, đây là các dự án thuộc diện thu hút đầu tư nhưng lại sử dụng nguồn gốc đất san nền không rõ ràng và hệ lụy là ngân sách nhà nước sẽ bị thất thoát một khoản tiền thuế tài nguyên không hề nhỏ.

Theo quy định, một dự án đầu tư xây dựng có sử dụng đất để san nền làm mặt bằng thì nguồn gốc đất sẽ được xác định lấy ở đâu, đơn giá như thế nào. Việc dự án khu đô thị Tấn Đức lấy “đất tặc” san nền đồng nghĩa với một khoản ngân sách thuế đất đang bị thất thu. Chưa kể, sẽ làm dấy lên tình trạng các xã có đất dư thừa tự ý bán cho đơn vị này để san nền gây nên tình trạng lộn xộn, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất.

Việc để cho một số cá nhân khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản trên địa bàn mang đi bán, trục lợi bất chính nhưng không xử lý triệt để trách nhiệm thuộc về ai? UBND xã Minh Đức hay UBND TP Phổ Yên?

Bày tỏ quan điểm về việc chịu trách nhiệm khi để xảy ra nạn "đất tặc" trên địa bàn, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về UBND xã,  bên cạnh đó, UBND huyện, quận, thành phố cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

"Theo tôi thì phải cắt chức Chủ tịch xã, kỉ luật cán bộ xã có liên quan. Xã là đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Bởi lẽ xã là cơ quan nhà nước, trách nhiệm quản lý địa bàn thuộc về họ. Họ được phân công quản lý đất đai và các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn", ông Võ nói.

Ngoài ra, huyện, quận, thành phố cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì không quản lý được việc xã để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, GS Đặng Hùng Võ bày tỏ.

Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng "Trong trường hợp để xảy ra tình trạng lặp đi lặp lại nhiều lần, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với những đối tượng "đất tặc" và cán bộ nếu có sự tiếp tay".

Đối với lĩnh vực khai thác hoặc tận thu tài nguyên khoáng sản là đất san lấp, các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về phí bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên khoáng sản. Cụ thể:

Về phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản: tại Điều 2 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định: “Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản”.

Về thuế tài nguyên, tại Khoản 1 Điều 7 Luật thuế tài nguyên 2009 quy định khung thuế suất tài nguyên đối với Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 3-10%; đối với đất, trừ đá nung vôi và sản xuất xi măng; sỏi; cát, trừ cát làm thuỷ tinh là 5-15% và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Phổ Yên, Thái Nguyên: Nguy cơ thất thu ngân sách từ nạn "đất tặc" tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hà Trung, Thanh Hóa: 'Bát nháo' tình trạng khai thác đất trái phép gây thất thoát ngân sách nhà nước
Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép nhằm thu lợi bất chính, làm chảy máu tài nguyên quốc gia, thất thoát ngân sách, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để.