Phong trào hạ lãi suất khiến người có tiền tiết kiệm còn quá ít lựa chọn tốt
TCDN - Lãi suất đang thấp hơn 30 năm trước dù người ta tính lãi suất danh nghĩa do lạm phát hay theo giá trị thực tế. COVID-19 càng khiến tình hình trầm trọng hơn. Lãi suất danh nghĩa của trái phiếu kì hạn 10 năm ở Mỹ, Anh và Đức đều giảm xuống mức thấp nhất lịch sử trong năm nay.
Economist nhận định người gửi tiết kiệm có thể ứng phó tình huống trớ trêu ba cách. Họ có thể tăng chi tiêu và giảm tiết kiệm. Một cách khác là tăng mức tiết kiệm để bù đắp cho lợi nhuận thấp hơn. Giải pháp thứ ba sẽ là dành nhiều tiền hơn vào các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Lịch sử không cho người dân nhiều đáp án đáng tin. Nhiều người kì vọng các ngân hàng trung ương sẽ áp dụng lãi suất thấp nhằm thúc đẩy tiêu dùng và giảm mức độ người dân tích trữ của cải. Song khả năng thành công của giải pháp ấy luôn là ẩn số.
Ví dụ, tác động của lãi suất lên hành vi người gửi tiết kiệm ở Đức vẫn chưa rõ ràng, ngay cả với điều kiện tốt nhất. Ngân hàng Trung ương Đức khẳng định theo thời gian, lãi suất không còn là yếu tố quan trọng nhất để quyết định hành vi của người gửi tiết kiệm.
Một nghiên cứu của công ty bảo hiểm Allianz, cũng chứng minh các yếu tố khác đóng vai trò lớn hơn. Ví dụ, số tiền chính phủ càng dành cho chi tiêu xã hội càng lớn, mức độ tiết kiệm của người dân càng giảm, vì họ kì vọng chính phủ sẽ hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn.
Tình hình nhân khẩu học cũng ảnh hưởng đến mức độ tiết kiệm. Mọi người có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn khi tuổi nghỉ hưu tới gần. Đa số người nghỉ hưu đều sống bằng tiền tiết kiệm, nên sự tăng số lượng người về hưu có thể khiến tỉ lệ tiết kiệm tổng giảm xuống.
Nghiên cứu của Charles Yuji Horioka thuộc Đại học Kobe cho thấy nhân khẩu học là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ tiết kiệm của hộ gia đình ở Nhật giảm trong thời gian dài.
Quan hệ cố hữu giữa lãi suất và mức tiết kiệm dường như mơ hồ. Nghiên cứu của Allianz cho thấy, trên toàn châu Âu, cứ mỗi lần lãi suất giảm một điểm phần trăm, tỉ lệ tiết kiệm tăng lên 0,2 điểm phần trăm. Các ngân hàng trung ương giảm lãi suất để đối phó với các tin tức xấu về kinh tế, song tin xấu về kinh tế lại thôi thúc người ta tiết kiệm nhiều hơn.
Đại dịch viêm phổi cấp COVID-19 tăng tỉ lệ tiết kiệm ở Mỹ lên mức cao kỷ lục hồi đầu năm do tâm lí lo lắng của người dân. Đến tháng 8, tỉ lệ ấy vẫn tương đối cao (14,1%).
Investment Company Institute (ICI) thông báo rằng các quĩ thị trường tiền tệ, tức là tiền gửi ngắn hạn, nhận tới 115 tỷ USD vào tháng 3 năm nay.
"Chúng tôi cảm nhận rõ nỗi lo của khách hàng khi nói chuyện với họ. Sự an toàn vốn là ưu tiên cao nhất của họ", Andy Sieg, Chủ tịch Merrill Lynch Wealth Management, kể.
Song khi trạng thái hoảng sợ lắng xuống, một bộ phận người gửi tiết kiệm sẽ chuyển vốn sang kênh khác, như mua chứng khoán. Trong bối cảnh lợi nhuận từ trái phiếu và tiền mặt quá thấp, đầu tư cổ phiếu có vẻ là hướng tiềm năng.
Chấp nhận rủi ro lớn hơn khi đầu tư chứng khoán là một phần của xu hướng dài hạn. Ông Sieg nhận định, từ 10 đến 15 năm trước, những người về hưu giàu ở Mỹ có thể mua nhiều trái phiếu đô thị. Danh mục đầu tư hiện tại của họ đa dạng hơn - với cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899