Phục hồi và phát triển thương mại sau dịch bệnh Covid - 19

27/04/2021, 11:04

TCDN - Dự báo của WTO cho rằng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 9,2% vào năm 2020, sau đó sẽ tăng 7,2% vào năm 2021.

5-1

Tóm tắt

Đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ quốc tế là xu hướng tất yếu của tất cả các nước trên thế giới, nhất là các nước đã phát triển; do năng lực sản xuất ngày càng lớn, cho nên luôn luôn ở tình trạng thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm có lợi nhất. Hoạt động thương mại quốc tế ngày càng mở rộng và cạnh tranh thị trường thế giới ngày càng gay gắt là tất yếu.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong năm 2020. Đây cũng là cơ hội khẳng định vị thế thương mại Việt Nam đối với thế giới, cũng có nghĩa là cơ hội cho thương mại Việt Nam mở rộng thị phần nếu có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể.

Triển vọng thương mại toàn cầu hậu Covid-19

Dự báo của WTO cho rằng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ giảm 9,2% vào năm 2020, sau đó sẽ tăng 7,2% vào năm 2021. Báo cáo mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng việc giảm giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2020 sẽ có mức kỷ lục kể từ năm 2009, song lĩnh vực dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề nhất và giảm xuống mức từng thấy kể từ những năm 1990. Điều này phản ánh sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu của người tiêu dùng đối với các dịch vụ nơi cường độ thương mại thấp trước những tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng sức khỏe chưa từng có.

Giao dịch sẽ tăng trở lại khi các biện pháp hạn chế Covid - 19 giảm bớt, song khối lượng thương mại năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo thương mại thế giới sẽ tiếp tục phục hồi chậm, tăng trung bình khoảng 4,25% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022.

Một điểm đáng chú ý của đại dịch Covid - 19 là sự phục hồi mạnh mẽ bất ngờ của một số nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt là ở châu Á. Điều này cùng với vaccine ngừa Covid - 19 và việc có một cơ quan quản lý ủng hộ thương mại hơn ở Mỹ sẽ giúp hỗ trợ kỳ vọng của thị trường về sự phục hồi trong năm 2021.

Trong khi Mỹ và châu Âu quay cuồng với làn sóng Covid - 19 mới, nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi đã phục hồi nhanh hơn nhiều. Các giao dịch thương mại truyền thống đang tăng trở lại ở châu Á, đặc biệt là ở Thái Lan, Việt Nam và Indonesia.

Điểm nổi bật của sự phục hồi khu vực châu Á là thương mại nội khối giữa các nền kinh tế thị trường mới trở thành động lực lớn cho sự phục hồi này. Đây không chỉ là câu chuyện của Trung Quốc mà đó là thương mại giữa châu Á - Thái Bình Dương (APAC) nói chung. Trung Quốc hiện đã vượt Mỹ trở thành thị trường chính cho các nhà xuất khẩu ở các nước APAC khác.

Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020, một thỏa thuận thương mại khu vực giữa 15 nước APAC, sẽ tiếp thêm sức mạnh cho thương mại nội khối và phản ánh những lợi thế mà Mỹ mang lại cho Trung Quốc - thành viên RCEP và là siêu cường mới nổi.

Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp cũng giúp các công ty và quốc gia có chủ quyền tái cấp vốn dễ dàng hơn, cung cấp một số hỗ trợ cho các hoạt động thị trường vốn khác của các tổ chức tài chính.

Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và hỗ trợ các doanh nghiệp do cuộc khủng hoảng Covid - 19, khu vực tài chính có thể tạo ra kích thích tài chính và hậu cần cần thiết để đưa cuộc sống trở lại bình thường, đánh bại đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu mạnh mẽ.

Triển vọng thương mại toàn cầu 2021 vẫn còn có lý do lạc quan khác. Tiến bộ đối với vắc-xin là một bước quan trọng để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và đầu tư trong suốt năm 2021, giúp khối lượng thương mại phục hồi về mức trước đại dịch.

Theo tác giả Duy Hưng, triển vọng thương mại trong trung hạn hậu Covid-19 có thể chứng kiến 4 xu hướng chính:

Thứ nhất, chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể sẽ tăng lên khi sự lan tỏa các chính sách can thiệp của nhà nước trong nước, đặc biệt là chính sách công nghiệp sẽ kéo dài hơn cuộc khủng hoảng hiện nay. Các khoản trợ cấp do khủng hoảng sẽ khó đảo ngược và có tác động phân biệt đối xử thương mại. Yêu cầu sàng lọc mới có thể làm giảm đầu tư nước ngoài. Những điều này và các can thiệp khác để bảo vệ những lĩnh vực trong nước. Danh sách các lĩnh vực chiến lược được bảo hộ dựa trên căn cứ an ninh quốc gia đối với cạnh tranh nước ngoài có thể sẽ mở rộng.

Thứ hai, chủ nghĩa đơn phương quốc gia có thể làm cho việc hợp tác chính sách khu vực và toàn cầu trở nên khó khăn. Đây là tín hiệu xấu cho các khuôn khổ quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và các tổ chức khu vực như ASEAN. Điều này cũng dẫn đến những hiệu ứng tự do hóa của các hiệp định thương mại ưu đãi mạnh mẽ hơn. Bằng chứng cho thấy, kể cả khi xung đột thương mại Mỹ - Trung nhiều lần leo thang và "trồi sụt", Mỹ nhiều lần đơn phương áp thuế đối với các nước đối tác và đồng minh, thì xu hướng tham gia liên kết mới thông qua các hiệp định thương mại tự do ưu đãi vẫn phát triển.

Thứ ba, sự định hướng lại các chuỗi giá trị toàn cầu sẽ tăng tốc. Các công ty đa quốc gia phương Tây sẽ chuyển những bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác trên cơ sở chi phí như đã từng diễn ra, và ngày càng dựa trên cơ sở rủi ro chính trị, an ninh. Sẽ có sự kết hợp giữa bảo hộ và khu vực hóa các chuỗi giá trị, thay đổi theo từng lĩnh vực. Nhưng hiệu quả tổng thể là tăng chi phí cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Thứ tư, thương mại quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi môi trường địa chính trị bị phá vỡ, xung đột hơn như cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có hồi kết, ngày càng phức tạp, khó lường; một Liên minh châu Âu hướng nội, bị chia rẽ sâu sắc hơn trong khi tiến trình Brexit chưa dứt điểm và tương lai mối quan hệ giữa Anh và EU vẫn ảm đạm, không rõ ràng. Điều này chỉ ra một trật tự thương mại mới có thể lặp lại chủ nghĩa bảo hộ mới của những năm 1970, đầu những năm 1980, hay đáng lo ngại hơn là những năm 1920 và 1930.

Hai mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự toàn cầu ổn định và cởi mở là sự gia tăng chủ nghĩa dân túy ở phương Tây, gây nguy hiểm cho việc tuân thủ các giá trị tự do, chủ nghĩa phi tự do ở Trung Quốc với nền kinh tế thị trường có sự kiểm soát của nhà nước. Cả hai đều có những đặc điểm trọng thương lan tỏa qua biên giới với chủ nghĩa bảo hộ thương mại và toàn cầu hóa bị hạn chế. Trung Quốc có dấu hiệu trở thành một cường quốc trọng thương cổ điển, gợi nhớ đến Đức và Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 so với nền kinh tế chỉ huy của Liên Xô vào cuối thế kỷ 20. Việc kiềm chế chủ nghĩa trọng thương trong khi bảo tồn các liên kết hiện cùng có lợi sẽ chứng minh một hành động cân bằng khó khăn. Các quốc gia nhỏ, cường quốc trung lưu ở châu Á, phương Tây và những nơi khác có vai trò quan trọng để chống lại chủ nghĩa trọng thương hiện nay. Họ phải giữ cho nền kinh tế - xã hội cởi mở, thể hiện chính sách, thể chế tốt, xây dựng liên minh cho thương mại và các vấn đề khác. Đồng thời cũng phải tăng cường liên minh với Mỹ và Liên minh châu Âu để thúc đẩy hướng ngoại hơn, mang tính xây dựng toàn cầu.

Tình hình thương mại của Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với năm trước, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% (tỷ trọng tăng 2,1 điểm phần trăm so với năm trước).

Năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, 9 mặt hàng có kim ngạch trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD. Mặt hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 là điện thoại và linh kiện với giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 50,9 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 1% so với năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 44,7 tỷ USD, tăng 24,4%. Những năm gần đây nổi lên vai trò chi phối của nhóm hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện. Trị giá xuất khẩu của 2 nhóm hàng này đang tiến dần tới mốc 100 tỷ USD (năm 2019 đạt 87 tỷ USD, năm 2020 ước tính đạt gần 96 tỷ USD) với tỷ trọng ngày càng tăng, chiếm tới 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019. Nhập khẩu tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần thiết cho sản xuất, xuất khẩu, gồm máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 245,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 93,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng tăng mạnh tới 16,3%. Điều này chứng tỏ nền kinh tế đang có sự phục hồi khá mạnh mẽ về sản xuất trong khi nhập khẩu cho tiêu dùng đã giảm đáng kể, tỷ trọng chỉ chiếm 6,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2019.

Từ 2016 đến nay, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa liên tục thặng dư với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, xuất siêu hàng hóa của nước ta đạt 1,6 tỷ USD; năm 2017 đạt 1,9 tỷ USD; năm 2018 tăng lên 6,5 tỷ USD; năm 2019 đạt 10,9 tỷ USD và năm 2020 ước tính đạt 19,1 tỷ USD.

Thông tin về hoạt động thương mại những tháng đầu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, trong khi Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của ASEAN trong tháng 2 đã suy giảm, nhất là ở các nước như Myanmar, Thái Lan, Malaysia thì Việt Nam ghi nhận sự cải thiện nhanh nhất với PMI đã tăng từ 51,3 của tháng 1 lên 51,6 trong tháng 2/2021.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2021 ước tính giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng 2 ít hơn 8 ngày so với tháng 2/2020 và ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, một số ngành ghi nhận mức tăng khá cao như chế biến, chế tạo (tăng 10,4%), sản xuất và phân phối điện (tăng 4,3%), cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 4,8%)…

Bên cạnh đó, xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước với kim ngạch ước tính đạt 48,74 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm nông - lâm - thủy sản vẫn duy trì tốc độ tăng tốt với con số lần lượt đạt 42,64 tỷ USD (tăng 27,3%) và 3,66 tỷ USD (tăng 7,7%)

Thống kê của Bộ Công thương cũng cho thấy, các thị trường xuất khẩu chủ lực cũng giữ đà tăng tích cực. Đơn cử như xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 13,83 tỷ USD, tăng 34,8%; Trung Quốc đạt 8 tỷ USD, tăng 46,1%; EU đạt 6,1 tỷ USD, tăng 17,6%; ASEAN đạt 4,1 tỷ USD, tăng 4%; Hàn Quốc đạt 3,2 tỷ USD, tăng 7,1%; Nhật Bản đạt gần 3 tỷ USD, giảm 4,9%.

Đặc biệt, ngay sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Anh trong 2 tháng tăng hơn 20 % so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,02 tỷ USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 23,6% so với cùng kỳ, đạt 927,7 triệu USD.

Khuyến nghị

Để phục hồi và thúc đẩy thương mại trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện 7 nhóm giải pháp. Trước tiên, Bộ Công Thương sẽ chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, tình huống, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo đơn vị địa phương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, thương mại, tiểu thương… Đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái… Trong đó sẽ phối hợp với bộ ngành liên quan để sớm ban hành ngay quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Song song với đó, ngành Công Thương tập trung chỉ đạo thúc đẩy sản xuất công nghiệp; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án năng lượng, công nghiệp có quy mô lớn; Tập trung rà soát kỹ và có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…

Mặt khác, để phát triển xuất khẩu, toàn ngành sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch.

Trên cơ sở phân tích tình hình thương mại thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sau dịch bệnh Covid -19, tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển thương mại Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, về chính sách. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên quyết liệt, đối đầu trực diện trên các lĩnh vực, tập trung vào khía cạnh kinh tế, trong đó chú ý đến thương mại quốc tế và vấn đề công nghệ, các cơ quan quản lý nhfa nước cần chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ngoài việc tiếp tục vận động ủng hộ thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, cần đẩy mạnh hợp tác với các nước thuộc nhóm cường quốc (Nhật Bản, EU, Australia...) để tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về đánh giá, dự báo tác động và chủ động áp dụng các biện pháp, chính sách ứng phó đối với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đối với các chính sách xuất nhập khẩu: Tiến hành rà soát những quy định, chính sách xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, tạo cơ sở cho việc xây dựng mới; Bổ sung, điều chỉnh các chính sách đã có nhằm đảm bảo khung pháp lý, chính sách đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và minh bạch phù hợp với quốc tế, khuyến khích xuất khẩu bền vững và kiểm soát hàng hóa nhập khẩu hiệu quả.

Đối với chính sách tài chính, tín dụng: Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để chủ động các biện pháp đối phó với nguy cơ biến động tỷ giá giữa đồng NDT và USD gây tác động tới thương mại Việt Nam; Chủ động có các biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài.

Ngoài ra, Nhà nước cần tập trung các giải pháp tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có thị trường Mỹ và Trung Quốc, nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu...

Thứ hai, giải pháp tăng cường quản lý nhập khẩu, hạn chế gian lận thương mại. Các cơ quan chức năng cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, sử dụng các biện pháp giải quyết và kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm ngăn chặn ngay tại cửa khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc; Tăng cường phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Đặc biệt, cơ quan chức năng phải lưu ý kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp xóa bỏ tình trạng hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, nhất là hàng hóa từ các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tránh thuế quan của Mỹ.

Thứ ba, đối với doanh nghiệp trong nước, bên cạnh cung cấp thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp xuất khẩu về các vấn đề liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, từ đó giúp các doanh nghiệp có thể chủ động, linh hoạt trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường... cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp về định hướng xuất khẩu.

Doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến xuất khẩu. Điều này giúp doanh nghiệp đón đầu những thách thức trong thời đại khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công Thương (2021), Tài liệu họp báo thường kỳ ngày 12/3/2021.

2. Duy Hưng: “Triển vọng thương mại toàn cầu hậu COVID-19: 4 xu hướng trong trung hạn”, https://congthuong.vn/trien-vong-thuong-mai-toan-cau-hau-covid-19-4-xu-huong-trong-trung-han-140473.html, ngày 17-7-2020

3. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/xuat-nhap-khau-nam-2020-no-luc-va-thanh-cong/

4. https://vovworld.vn/vi-VN/binh-luan/dong-chay-tu-do-hoa-thuong-mai-tren-the-gioi-936244.vov

5. https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/tinh-hinh-thuong-mai-the-gioi-nam-2020-va-tac-dong-doi-voi-viet-nam-322009.html

NCS. Đặng Huy Du

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Phục hồi và phát triển thương mại sau dịch bệnh Covid - 19 tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan