PVN đề xuất không điều chuyển nguồn vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp
TCDN - Theo ông Nguyễn Văn Mậu – Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp là nguồn tích lũy quan trọng đối với doanh nghiệp để đầu tư dài hạn và đối phó với các đợt khủng hoảng, không nên điều chuyển giữa các doanh nghiệp.
Góp ý về quy định phân phối lợi nhuận tại Điều 15 dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Mậu – Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PETROVIETNAM) cho rằng, cần bổ sung nội dung ưu tiên trong quá trình phân phối lợi nhuận, đó là lợi nhuận sau thuế phải được bù lỗ cho các năm trước. Nội dung này đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp, cũng như Luật 69/2014/QH13.
“Chúng ta phải bù lỗ lũy kế trước, sau đó mới phân bổ theo các thứ tự như dự thảo Luật quy định” – ông Nguyễn Văn Mậu nhấn mạnh.
Đối với quy định về trích Qũy Đầu tư phát triển để lại doanh nghiệp, đại diện PVN đồng tình với phương án do Ban soạn thảo đưa ra là cho phép doanh nghiệp để lại 80% lợi nhuận sau thuế để trích lập Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dự thảo quy định Quỹ Đầu tư phát triển là vốn Nhà nước để tại doanh nghiệp được sử dụng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi trả tiền lương, tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê… Đồng thời, đây cũng là nguồn Nhà nước thu về để điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn hoặc đầu tư mở rộng.
“Như vậy, nguồn vốn này chưa phải là vốn của doanh nghiệp, đây chỉ là vốn nhà nước để tại doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là, dù tỷ lệ trích lập đến 80% nhưng nguồn quỹ này được “định vị” doanh nghiệp chưa được quyền sử dụng như là tài sản của pháp nhân doanh nghiệp. Tôi cho rằng sẽ có rủi ro pháp lý nếu không làm rõ cách thức sử dụng nguồn này.
Trường hợp nguồn vốn này không phải của doanh nghiệp, cần xác định chính xác đây là vốn chủ sở hữu hay nợ phải trả. Bởi trong doanh nghiệp chỉ có 2 nguồn vốn, một là nguồn vốn chủ sở hữu, hai là nợ phải trả. Nếu khẳng định đây là vốn chủ sở hữu thì theo chuẩn mực quốc tế đây là nguồn vốn, tài sản của pháp nhân doanh nghiệp. Do vậy, doanh nghiệp được chủ động sử dụng” – ông Nguyễn Văn Mậu phân tích.
Theo đại diện PVN, Quỹ Đầu tư phát triển là nguồn tích lũy quan trọng đối với doanh nghiệp để đầu tư dài hạn và đối phó với các đợt khủng hoảng, không nên điều chuyển giữa các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Tổ trưởng Tổ Biên tập dự thảo Luật cho hay, Quỹ Đầu tư phát triển được để lại tại doanh nghiệp được hình thành từ lợi nhuận sau thuế thuộc quyền quyết định của chủ sở hữu vốn, chưa phải là nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, chỉ sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung vốn điều lệ mới được tính là vốn của doanh nghiệp.
Do vậy, Nhà nước với vai trò là một chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp được quyền định đoạt, quyết định điều chuyển giữa các doanh nghiệp tương ứng tỷ lệ phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại doanh nghiệp. Đồng thời, để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước phải có cơ chế điều chuyển từ doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng sang doanh nghiệp có nhu cầu về vốn.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899