Sửa đổi Luật quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để phát huy dòng vốn tại doanh nghiệp
TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, yêu cầu khi soạn thảo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là làm thế nào phát huy được dòng vốn tại doanh nghiệp; tập trung vào để thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp.
Sáng 28/6, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tổ chức cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc triển khai Kế hoạch xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trong đó, Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Khẳng định đây là một đạo luật lớn, quan trọng và rất khó, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều mong muốn triển khai sớm thẩm tra dự án Luật này.
Về phía cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một đạo luật có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nên Bộ Tài chính cố gắng thiết kế dự án Luật có chất lượng cao nhất. Trong đó, Bộ Tài chính chú trọng triển khai công tác lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến các chuyên gia về doanh nghiệp nhà nước, cũng như chính doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị, tổ chức, hiệp hội liên quan.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, yêu cầu khi soạn thảo dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là làm thế nào phát huy được dòng vốn tại doanh nghiệp; tập trung vào để thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện các quy định về quyền của người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xác định sẽ quản lý xuyên suốt theo dòng tiền của nhà nước hay quản lý theo cấp hành chính; phương thức quản lý phần vốn nhà nước ở công ty cổ phần có vốn góp dưới 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp…
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, việc xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là rất cần thiết, nhằm tạo một cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước có thể chủ động triển khai đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng lưu ý, bên cạnh thiết kế các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh thì tại dự án Luật cũng cần quy định các cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát để không thất thoát tài sản vốn của nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần chú ý xây dựng dự thảo Luật bám sát nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ khi đề nghị xây dựng dự án Luật để quy định cụ thể nội dung tại các Chương, Điều, khoản cụ thể…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899