Quảng Ngãi nỗ lực tìm lại tên cho hơn 1.000 liệt sĩ vô danh
TCDN - Thực hiện ngân hàng gen (ADN) phục vụ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp cùng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Viện Pháp y Quốc gia tiến hành khai quật, lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại 5 nghĩa trang cấp xã.
Khẩn trương rà soát dữ liệu, làm sạch thông tin
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Viện Pháp y quốc gia thực hiện nhiệm vụ của đề án 06, tiến hành khai quật, lấy mẫu sinh phẩm để xác định ADN đối với 1.096 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tại 5 nghĩa trang cấp xã các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tịnh và thị xã Đức Phổ. Các nghĩa trang này hiện vẫn còn nhiều phần mộ liệt sĩ “vô danh”.
Nghĩa trang Liệt sĩ xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa được xây dựng năm 1984, nơi đây có 786 phần mộ liệt sĩ, trong đó có 396 phần mộ chưa xác định thông tin. Công tác khai quật, lấy mẫu sinh phẩm tại nghĩa trang được tiến hành trong tháng 11 vừa qua, cùng với việc tu bổ, chỉnh trang lại các phần mộ liệt sĩ. Qua công tác khai quật, toàn bộ 396 phần mộ liệt sĩ chưa xác định thông tin đã được lấy mẫu kiểm tra chất lượng để giám định ADN.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Võ Sinh Quân cho biết, các xã phía Tây của huyện Tư Nghĩa là cái nôi cách mạng. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhiều người con của đất nước đã trung dũng kiên cường không tiếc máu xương vì độc lập dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, các anh cũng đã nằm xuống, yên nghỉ tại xã Nghĩa Thắng hàng chục năm nhưng nhiều phần mộ liệt sĩ vẫn chưa có tên.
"Nhiều năm qua có nhiều gia đình từ ngoài các tỉnh phía Bắc vào tìm thân nhân đành phải quay trở về vì không có thông tin. Việc lấy mẫu ADN xác định lại danh tính cho liệt sĩ là việc làm vô cùng ý nghĩa, chúng tôi mong muốn các anh sẽ được sớm trả lại tên”. Ông Võ Sinh Quân chia sẻ.
Tương tự, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Đức Phú, huyện Mộ Đức, việc lấy mẫu diễn ra rất khẩn trương. Ông Nguyễn Giáp Thìn, chủ tịch UBND xã cho hay: "Bất cứ việc gì đoàn cần, địa phương lập tức cử người hỗ trợ. Chúng tôi cũng hy vọng rất nhiều, mong sớm tìm người thân cho liệt sĩ, họ đã hy sinh để đổi lấy hòa bình hôm nay".
Công việc lấy mẫu đang được tiếp tục thực hiện. Nhưng có những nỗi niềm của người "đi tìm thân nhân cho liệt sĩ", đó là trong 1.096 mộ được khai quật, chỉ 427 mộ còn mẫu sinh phẩm có thể giám định ADN. Những phần mộ còn lại rất khó khăn trong việc lấy mẫu vì hài cốt được chôn lâu. Dẫu vậy, đoàn vẫn nỗ lực tìm mẫu. Trách nhiệm với tiền nhân, với thân nhân các liệt sĩ luôn đau đáu trong lòng những người làm nhiệm vụ.
Trong 3 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã không ngừng nỗ lực trong việc xác minh, giám định ADN cho liệt sĩ. Các mẫu ADN của liệt sĩ được lưu giữ và bảo quản tại Ngân hàng ADN liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ cả nước. Qua đó giúp thân nhân liệt sĩ tra cứu, đối chiếu mẫu ADN nhằm xác định danh tính liệt sĩ, tìm được phần mộ và đưa về an táng tại quê nhà.
Song song với lấy mẫu, những năm qua chính quyền Quảng Ngãi cũng đến tận nhà, lấy mẫu của thân nhân các liệt sĩ chưa tìm được. Công an phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ đến nhà bà Nguyễn Thị Chi (91 tuổi, tổ dân phố An Trường, phường Phổ Ninh) làm thủ tục lấy mẫu ADN.
Biết thông tin này, bà Chi vui mà đôi mắt đỏ hoe. Đã hơn nửa thế kỷ từ ngày con trai hy sinh, bà vẫn chưa tìm ra con mình. "Cả đời tôi chỉ ước biết được con mình ở đâu. Hy vọng lần này các cháu sẽ giúp tôi sẽ tìm được con mình", bà Chi thổ lộ.
Chung nỗi niềm, mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Tâm (87 tuổi, thông Thủy Thạch, xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ) mãi mong ngóng tìm được hài cốt của chồng và con đã hy sinh. Không biết bao nhiêu lần mẹ Tâm bảo con cháu chở đi tìm hài cốt của chồng, con nhưng lại trở về trong thất vọng.
Thấu hiểu nỗi niềm của thân nhân các liệt sĩ, công an các địa phương ở Quảng Ngãi đã khẩn trương rà soát dữ liệu thông tin hài cốt liệt sĩ và nhân thân gia đình có liệt sĩ chưa xác định thông tin hài cốt để thu mẫu đối chiếu; làm sạch thông tin nhân thân liệt sĩ và tạo lập kho dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Qua đó sẵn sàng tích hợp thông tin ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân với cơ sở dữ liệu căn cước, chuẩn bị cho hành trình tìm kiếm, xác định và đưa liệt sĩ về đoàn tụ với người thân.
Chuyển các mẫu sinh phẩm về ngân hàng ADN
Trực tiếp thu thập các mẫu sinh phẩm ở Nghĩa trang xã Nghĩa Thắng, ThS. Chu Thị Thủy, Giám định viên, Viện Pháp y Quốc gia cho biết, các hài cốt được khai quật tại Nghĩa trang xã Nghĩa Thắng chất lượng đủ điều kiện để giám định ADN chiếm khoảng 50%. Tỷ lệ này khá là cao so với các nghĩa trang trong toàn tỉnh được lấy mẫu.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Ánh Lan cho biết, đơn vị đang hoàn tất các thủ tục để đưa các mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ về ngân hàng ADN liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Việc lấy mẫu ADN cho các liệt sĩ được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm đặc biệt với mong muốn góp một phần trách nhiệm tri ân, đền ơn, đáp nghĩa đối với các Anh hùng liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, những năm qua, Quảng Ngãi đã làm tốt công tác chăm sóc đối tượng chính sách, dành nhiều nguồn lực đầu tư, chăm lo cho thân nhân các Anh hùng liệt sĩ, người có công. "Với việc phối hợp khai quật, thu thập lấy mẫu xác định AND, chúng tôi mong muốn sớm tìm lại tên tuổi cho các liệt sĩ, vừa góp phần giải quyết được nhu cầu của thân nhân liệt sĩ, đồng thời cũng là việc làm tri ân đối với các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của dân tộc" ông Võ Phiên nhấn mạnh.
Năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành khai quật 1.096 mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính, trong đó có 427 mẫu sinh phẩm đủ điều kiện để giám định ADN. Các mẫu thu thập được được bảo quản để gửi về Ngân hàng ADN liệt sĩ chưa xác định được thông tin, góp phần sớm xác nhận danh tính cho liệt sĩ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899