Quảng Trị: GS.TS Lê Văn Tự với Đồng bằng sông Cửu Long
TCDN - Những thành tựu của khoa học nông nghiệp áp dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long những thập niên 80 của thế kỷ XX có ảnh hưởng quan trọng trong hoạt động sản xuất trồng lúa nước và xuất khẩu gạo sau này, trong đó có sự đóng góp nhất định của GS.TS Lê Văn Tự.
GS.TS Lê Văn Tự sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông là ông Lê Sắt làm Chủ tịch kháng chiến An Thái bị giặc Pháp bắt và giết hại năm 1948. Hai cậu em trai ông hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mẹ ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sau hiệp định Giơ- ne -vơ năm 1954, Trung ương Đảng chủ trương tuyển chọn một số con em đưa ra miền Bắc đào tạo để bổ sung cho nguồn lực kháng chiến và chuẩn bị cho công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh, ông được đưa ra miền Bắc và theo học cấp ba tại Trường Huỳnh Thúc Kháng – Nghệ An, sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Nông lâm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học hạng xuất sắc, ông được phân công về làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm bộ môn Sinh học. Năm 1973 ông được cử đi nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên Xô. Năm 1977 sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, ông trở về nước và được cử vào giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh và sau đó được cử làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông Tp. Hồ Chí Minh. Ông đã có 22 công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, trong đó có công trình nghiên cứu thổ nhưỡng đồng bằng sông Cửu Long.
Sau năm 1975 đến những năm 80 của thế kỷ XX, giải quyết lương thực là vấn đề cấp bách trong cả nước bởi do cơ chế quản lý lúc bấy giờ, sản xuất ra lương thực thì nhà nước thu mua “theo kế hoạch” để cân đối lương thực cho cả nước, nhất là các thành phố, thị xã. Cũng như các thành phố khác, trước năm 1975, lương thực của Tp. Sài Gòn hoàn toàn do thị trường tự do cung cấp. Sau năm 1975, nhà nước chủ trương cải tạo tư bản tư doanh ở miền Nam, độc quyền khâu bán buôn do đó mà không có cửa hàng của thương nhân bán lẻ lương thực. Trong khi giá lúa do Ủy ban Vật giá nhà nước quy định là 0,52 đồng/kg “giá lúa nghĩa vụ”, chỉ bằng 1/5 giá thị trường nên người dân ở đồng bằng sông Cửu Long cũng không muốn bán. Do vậy đã triệt tiêu động lực sản xuất, đất bị bỏ hoang hóa nhiều, phèn chua, xâm nhập mặn không được cải tạo…khiến dân thiếu đói.
Cùng với chính sách đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, nhất là chính sách khoán theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sau đó là chính sách lưu thông hàng hóa, đề án cải tạo Đồng bằng sông Cửu Long cũng được ra đời, trong đó có đề tài thổ nhưỡng. GS.TS Lê Văn Tự được điều động về làm Chủ nhiệm đề tài, sau 6 năm “nếm mật nằm gai”.
GS.TS Lê Văn Tự có lần tâm sự: “Đất nước được giải phóng, nhân dân hồi cư trở lại nơi làng quê xóm cũ, các cơ quan kháng chiến trở về thành phố. Còn chúng tôi -những nhà khoa học nông nghiệp – những người tiên phong đi chinh phục những vùng đất mới trong cuộc chiến chống đói nghèo thì lại tiếp tục đi xa hơn, tới những nơi chưa có hoặc rất ít dấu chân người. Gạo cơm, mắm muối, xăng dầu phải mang theo, nhiều lúc phải ăn cơm vắt, ngủ võng, khổ nhất là thiếu nước ngọt. Tắm giặt bằng nước phèn hoặc nước mặn… nhưng chúng tôi quyết bám trụ, chinh phục cho bằng được những vùng đất phèn, mặn rộng lớn tại châu thổ sông Cửu Long để tham gia giải quyết vấn đề lương thực trong cả nước…”.
Thành quả sau hơn 30 năm, Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích, năng suất và sản lượng lúa đều tăng nhanh. Tổng diện tích đất canh tác lúa của vùng sau ngày giải phóng có hơn 70% (1,5 triệu ha) là ruộng một vụ. Ðến năm 2004, diện tích đất canh tác lúa vùng này là 2,1 triệu ha, diện tích gieo trồng gần 3,9 triệu ha, chiếm 50% tổng đất lúa cả nước. Tăng vụ là nguyên nhân chủ yếu làm tăng diện tích gieo trồng lúa của vùng này. Nguyên nhân của tăng vụ lúa đông xuân và hè thu ở vùng này là kết quả của quá trình đầu tư làm thủy lợi, cải tạo đất, thau chua, rửa phèn, bảo đảm nước ngọt cho cây lúa sinh trưởng tốt.
Tính chung 30 năm, năng suất lúa bình quân toàn vùng tăng thêm gần 26 tạ/ha, làm tăng thêm gần tám triệu tấn lúa, chiếm 50% tổng sản lượng lúa tăng thêm của toàn vùng. Sự thay đổi mùa vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long đi cùng với đổi mới cơ cấu giống lúa và quy trình sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất. Nhờ đó mà không những tăng nhanh về sản lượng mà chất lượng lúa gạo ở vùng này cũng được nâng lên, chiếm tỷ trọng lớn về cả diện tích và sản lượng, gia tăng lượng xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Ghi nhận những đóng góp của cá nhân, năm 2013 GS.TS Lê Văn Tự được Viện hàn lâm khoa học công nghiệp Việt Nam tặng giải nhất Danh hiệu “Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực khoa học ứng dụng”.
Những năm trở lại đây, Việt Nam một trong những nước nằm trong tốp đầu thế giới về xuất gạo, đơn cử như năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7 triệu tấn, tương đương 4 tỷ USD, là nước đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo. Đây là thành quả đáng vui mừng và tự hào của cả nước nói chung, và người nông dân Việt Nam ta nói riêng. Và có thể khẳng định rằng, những thành tựu của khoa học nông nghiệp áp dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long những thập niên 80 của thế kỷ XX có ảnh hưởng rất quan trọng trong hoạt động sản xuất trồng lúa nước và xuất khẩu gạo ra thế giới của Việt Nam sau này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899