Quy định pháp luật còn chồng chéo, thủ tục phiền hà cho DN

12/08/2016, 11:00

TCDN - Tại hội thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh mới được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, các đại biểu đều cho rằng có quá nhiều bất cập, chồng chéo trong các quy định của các luật khiến DN gặp nhiều khó khăn và công tác quản lý của Nhà nước cũng gặp nhiều bất cập.

Nhiều bất cập, chồng chéo

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu của VIEM/GIG, môi trường kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Trong nhiều năm qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa được đánh giá là một môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế cũng như có vốn đầu tư nước ngoài với nhiều lý do, trong đó, lý do chủ yếu là các quy định pháp lý còn nhiều chồng chéo, khó thực thi.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, trong quá trình hình thành dự án đầu tư, việc quy định thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đang gặp những vướng mắc giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, theo Luật Đầu tư, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu nhà đầu tư phải nộp quyết định phê duyệt ĐTM, tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường lại quy định, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Do đó, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin quyết định phê duyệt ĐTM trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, thủ tục quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM rất phức tạp và tốn kém và nếu chưa nhận được chấp thuận chủ trương đầu tư mà thực hiện thủ tục này sẽ rủi ro cho nhà đầu tư.

Lấy dẫn chứng về thảm họa môi trường tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra vừa qua, vị chuyên gia này cho biết sau khi xảy ra thảm họa này chúng ta nhận ra việc lập ĐTM trước khi có quyết định chủ trương đầu tư sẽ rất sơ sài, không sát thực tế và có thể sẽ để xảy ra những hậu quả không lường trước. Do đó, chuyên gia này cho rằng cần sửa đổi quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường, theo đó quy định thực hiện ĐTM sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép đầu tư.

Địa phương cũng lúng túng

Kết quả rà soát đầu tư kinh doanh đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất của nhóm nghiên cứu CIEM cũng cho thấy, khung pháp luật Việt Nam về hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn tồn tại rất nhiều bất cập làm cản trở các nhà đầu tư tiếp cận thị trường, nguồn vốn và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển.

Một trong những bất cập đó là sự chồng chéo, không rõ ràng của các quy định pháp luật như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… Bất cập này đã làm hạn chế tính tích cực của nhiều chế định luật nhằm khuyến khích đầu tư, làm gia tăng tiêu cực trong việc thi hành pháp luật, và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh.

Đơn cử, thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng trong giai đoạn hình thành dự án không tương thích giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư. Theo quy định của Luật Xây dựng, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho các nhà đầu tư khi có yêu cầu.

Nhưng Luật Đầu tư trong hồ sơ thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư tại Điều 33 yêu cầu nhà đầu tư phải nộp ”Đề xuất dự án đầu tư trong đó có nội dung về địa điểm đầu tư”. Như vậy, nhà đầu tư phải có địa điểm đầu tư trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Nếu vậy, thì nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn thực hiện quyền.

Sự không tương thích này đã dẫn đến việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, gây lúng túng cho các nhà đầu tư. Có địa phương thực hiện thủ tục giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư trước thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, có địa phương lại thực hiện sau khi có quyết định chủ trương đầu tư. Có địa phương lồng ghép thủ tục giới thiệu địa điểm thực hiện dự án vào thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư.

Liên quan đến những bất cập trong các quy định, thủ tục hành chính để triển khai các dự ấn, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết, bản thân ông trong quá trình kinh doanh là người phải trải qua nhiều cánh “đồng bất tận” thủ tục hành chính. Những bất cập, chồng chéo trong một biển quy định này thì các doanh nhân phải chịu, nhưng theo ông Đực, suy ra cho cùng người phải chịu những thiệt thòi, bất cập này lại chính là người mua nhà.

Theo ông Đực, chính thủ tục quá nhiều, quá lâu, gây phiền hà và can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã làm chậm trễ, tăng chi phí cho các dự án. Thủ tục nhiêu khê làm tiêu hao tài sản của DN, nếu dự án bị kéo dài thời gian thì làm tăng chi phí của DN, thủ tục càng nhiều thì giá thành càng tăng cao và người dân phải chịu. Bộ Xây dựng đưa ra những quy định quản lý với mơ ước là quản lý chặt hơn, tốt hơn nhưng ngược lại, càng quản lý chặt thì tình hình càng xấu hơn. DN buộc lòng phải ăn gian, tìm cách đi ngược lại mong muốn của ngành xây dựng. Vì thế, ông Đực kiến nghị cần tạo điều kiện cho DN dễ dàng, thuận lợi hơn và Nhà nước chỉ nên giữ vai trò hậu kiểm.
Theo báo Hải Quan

Bạn đang đọc bài viết Quy định pháp luật còn chồng chéo, thủ tục phiền hà cho DN tại chuyên mục Bạn đọc của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận