Nhân đọc báo Đại Đoàn kết nêu Cựu Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn 'vượt mặt' Tổng cục Thuế:

Quy trình, thẩm quyền khoanh và xóa nợ thuế đã được Luật hóa thế nào?

25/03/2022, 09:20

TCDN - Mấy ngày gần đây, Báo Đại Đoàn Kết có đăng bài Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn 'vượt mặt' Tổng cục Thuế như thế nào? Nhân sự việc này, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp cùng bạn đọc nhìn lại quy định của pháp luật về việc xóa nợ thuế trước đây và hiện nay.

Theo báo Đại Đoàn kết, khi đương chức, ông Lê Đình Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 2015-2020) từng ký Văn bản đồng ý cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) miễn tiền phạt chậm nộp thuế hơn 4,5 tỷ đồng. Việc làm này được cho là “vượt mặt” Tổng cục Thuế, gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Sự việc này được bài báo thông tin là năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao hơn 9,1ha “đất vàng” của TP Hà Tĩnh cho Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị (nay là Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị, trụ sở tại 37 Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) để xây dựng Khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh.

Nhân đọc bài báo này, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp cùng bạn đọc nhìn lại các quy định về đối tượng, thủ tục, quy trình và thẩm quyền khoanh và xóa nợ thuế .

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh Lê Đình Sơn. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Ông Nguyễn Văn Được – Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế Toán Và Tư Vấn Thuế Trọng Tín phân tích: 

Theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý Thuế số 78 có hiệu lực từ ngày 01/07/2007 và khoản 22 Điều 1 Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung năm 2012 thì đối tượng được xóa nợ thuế bao gồm 3 trường hợp:

(1) Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản và không còn tài sản để nộp thuế nộp phạt;

(2) Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự không còn tài sản nộp thuế, nộp phạt còn nợ;

(3) Các trường hợp nợ thuế, nợ tiền phạt còn lại mà cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định đối với khoản nợ quá 10 năm.

duoc

Ông Nguyễn Văn Được: 

"Theo quy định của pháp luật hiện hành tại thời điểm xóa nợ thuế không thuộc khoản 1 Điều 65 nên UBND tỉnh không có thẩm quyền xóa nợ thuế hay nói cách khác chủ trương đồng ý xóa nợ thuế của UBND tỉnh Hà Tĩnh là không đúng thẩm quyền và không đúng quy định"

Tiếp đó theo quy định tại Điều 67 Luật Quản lý Thuế số 78 và khoản 22 Điều 1 Luật Luật Quản lý Thuế sửa đổi bổ sung năm 2012 thì thẩm quyền xóa nợ thuế thuộc về UBND tỉnh đối với trường hợp xóa nợ thuế tại khoản 1 Điều 65 (tức là trường hợp 1 nêu trên). Các trường hợp còn lại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (Trên 10 tỷ đồng), Bộ trưởng Bộ Tài chính (từ 5 đến 10 tỷ đồng) và Tổng cục trưởng tổng cục Thuế (dưới 5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, việc xóa nợ thuế phải dựa trên cơ sở các hồ sơ được lập theo quy định tại Điều 66 và trình tự thủ tục tại Điều 68 của Luật Quản lý Thuế số 78 và khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý Thuế năm 2012.

Căn cứ các quy định nêu trên việc doanh nghiệp phát sinh số tiền chậm nộp gần 4,5 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị tuyên bố phá sản và không còn tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Quản lý Thuế số 78 nêu trên là không đúng đối tượng được xóa nợ thuế. 

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành tại thời điểm xóa nợ thuế không thuộc khoản 1 Điều 65 nên UBND tỉnh không có thẩm quyền xóa nợ thuế hay nói cách khác chủ trương đồng ý xóa nợ thuế của UBND tỉnh Hà Tĩnh là không đúng thẩm quyền và không đúng quy định. Nếu khoản nợ nêu trên đã quá 10 năm và cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định thì thẩm quyền xóa nợ thuế thuộc về Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (dưới 5 tỷ đồng).

Do đó, UBND Tỉnh có chủ trương xóa nợ thuế và trên cơ sở đó cơ quan thuế địa phương thực hiện xóa nợ thuế theo chủ trương này là không đúng quy định. Vì vậy doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp lại toàn bộ số thuế được xóa vào ngân sách nhà nước là phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này doanh nghiệp được áp dụng quy định có lợi hơn theo quy định tại Luật Quản lý Thuế số 38 sẽ không bị tính tiền phạt bởi đây là lỗi của cơ quan nhà nước không phải lỗi khách quan của người nộp thuế. Trách nhiệm nhà nước đối với các cơ quan, người liên quan sẽ được xem xét cụ thể theo tình tiết của sự việc. 

Hiện quy định về xóa nợ thuế đã được quy định tại Điều 85 đến Điều 88 Luật quản lý Thuế số 38 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020. Việc Luật hóa và quy định khá rõ ràng, cụ thể về đối tượng, quyền hạn, trách nhiệm của các bên trong quá trình khoanh, xóa nợ thuế như hiện nay là rất quan tọng để tránh những sự việc đáng tiếc như bài báo đã nêu.

TCDN
Bạn đang đọc bài viết Quy trình, thẩm quyền khoanh và xóa nợ thuế đã được Luật hóa thế nào? tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nợ thuế còn 121 nghìn tỷ đồng, tăng trên 9%
Tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến ngày 28/2/2022 là 121.547 tỷ, tăng 2,9% so với thời điểm 31/1/2022, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng dự toán thu năm 2022 là 10,3%.