Doanh nghiệp hiến kế giúp Tp.HCM phát triển
TCDN - Chủ tịch Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, khát vọng tăng trưởng dài hạn Tp.HCM mặc dù có nhiều thách thức nhưng vẫn có những nguồn lực, động lực để biến thành hiện thực. Trong thời gian tới, Tp.HCM cần phát triển thị trường chứng khoán 5,8 triệu tỷ tương đương 252 tỷ USD; xây dựng TPHCM là điểm đến du lịch quốc tế.
Tại “Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến năm 2030” do UBND Tp.HCM tổ chức, hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham gia.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra một số đề xuất để thúc đẩy con đường phát triển của Tp.HCM trong tương lai như đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistics. Từ đó, đưa thành phố thành trung tâm công nghiệp sản xuất phụ trợ, đào tạo về kỹ thuật, công nghệ bao gồm hàng không và công nghệ thông tin.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico cho rằng "thúc đẩy đầu tư công thì với các dự án thiếu vốn, ngân hàng có thể tài trợ hoặc vốn bắc cầu. Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng thêm cơ chế thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách như PPP, BOT".
Chủ tịch Sovico cho rằng, khát vọng tăng trưởng dài hạn TPHCM mặc dù có nhiều thách thức nhưng vẫn có những nguồn lực, động lực để biến thành hiện thực. Trong thời gian tới, Tp.HCM cần phát triển thị trường chứng khoán 5,8 triệu tỷ tương đương 252 tỷ USD; xây dựng TPHCM là điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng.
Bên cạnh đó, cần tập trung chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện; đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động.
Tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân; đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic, xây dựng TPHCM trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất phụ trợ, đào tạo về công nghệ, kỹ thuật…
Cùng với sự sẵn sàng của nhiều doanh nghiệp, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng bày tỏ sự quan tâm rất lớn về việc phát triển hạ tầng ở Thành phố, đặc biệt là hạ tầng cảng biển.
Ông Park Hyun Bae, Tổng giám đốc Công ty KCTC Việt Nam cho biết, mong muốn của doanh nghiệp là Thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng các cảng hàng hóa, trong đó tập trung cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức) và cảng Hiệp Phước (quận 7), hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các dịch vụ khai thác kho bãi cảng và dịch vụ logistics tăng sản lượng phục vụ.
Còn bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty Kizuna – Doanh nghiệp chuyên đầu tư nhà xưởng tại các khu công nghiệp ở Long An, nêu một số ý kiến giải pháp Tp.HCM trong đầu tư hạ tầng công nghiệp. Trong đó, Thành phố cần tập trung thu hút và phát triển cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là nhóm doanh nghiệp chiếm tỷ lệ đa số trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố.
Liên quan đến Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương cho rằng, khi trung tâm này thành hình, thành phố sẽ có nhiều cơ hội để quy tụ các định chế tài chính chất lượng trên thế giới. Mặt khác, trung tâm cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.
“Trung tâm tài chính quốc tế của Tp.HCM sẽ lan tỏa sự ảnh hưởng của Thành phố đối với cả nước. Trung tâm cũng giúp Thành phố và Việt Nam thu hút các nguồn vốn đầu tư mới để phát triển hạ tầng, tạo ra các chuỗi cung ứng gắn liền dịch vụ tài chính”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận định.
Nhiều đại diện doanh nghiệp đánh giá cách làm mới của Thành phố là huy động đóng góp sáng kiến của doanh nghiệp đã khích lệ tinh thần các doanh nghiệp, với tinh thần mới mẻ đồng thời, các doanh nghiệp cũng khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899