Sắc đỏ tràn ngập các thị trường, NYSE tạm thời đóng cửa từ ngày 23/3

19/03/2020, 12:30

TCDN - Trong phiên giao dịch ngày 18/3, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến đà bán tháo, trong khi đó chứng khoán trong nước ngập tràn sắc đỏ giữa bối cảnh sự lây lan mạnh của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang đe dọa làm tê liệt các hoạt động kinh tế.

Kết thúc phiên 18/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.338,46 điểm (6,3%) xuống 19.898,92 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 131,09 điểm (5,18%) xuống 2.398,1 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 344,94 điểm (4,7%), đóng cửa ở mức 6.989,84 điểm.

Ba chỉ số chủ chốt đều giảm điểm mạnh trong phiên này, cho dù biên độ giảm đã thu hẹp vào cuối phiên sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trị giá 104 tỷ USD với các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2.

a

Một động thái khác khiến nhà đầu tư thêm lo ngại là việc Intercontinental Exchange Inc, cơ quan chủ quản Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), cho biết NYSE sẽ tạm thời đóng cửa và chuyển hoàn toàn sang giao dịch điện tử bắt đầu vào ngày 23/3 tới do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong bối cảnh sân bay và các khách sạn vắng khách, các hãng hàng không yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương để hạn chế thua lỗ, nhóm cổ phiếu ngành hàng không thuộc S&P đã giảm 20,8% trong phiên này. Trong khi đó, giá cổ phiếu của các nhà điều hành khách sạn lớn như Hilton, Marriott và Hyatt đã giảm khoảng 12% đến 19%.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất trong gần bảy năm qua, giữa lúc các biện pháp kích thích kinh tế gần đây không thể xoa dịu các nhà đầu tư đang tìm cách bán tháo cổ phiếu khi đối mặt với dịch Covid-19.

Chứng khoán châu Á mở cửa trong sắc đỏ, nối tiếp phiên giảm mạnh của Phố Wall đêm qua. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi mở cửa giảm hơn 4%, nới rộng đà giảm lên 6,4% vào giữa phiên sáng. Kosdaq Index cũng giảm gần 5,8%.

Tại Hong Kong, Hang Seng giảm lên gần 3%. Các chỉ số thành phần của thị trường Trung Quốc giảm 1-2%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 và Topix giữ sắc xanh nhưng nhiều chỉ số thành phần giảm gần 2%.

Thị trường Philippines vừa ghi nhận phiên giảm mạnh nhất lịch sử khi lao dốc hơn 24%, ngay khi mở cửa trở lại sau hai ngày dừng giao dịch. Đà giảm được thu hẹp dần vào cuối phiên sáng, nhưng biên độ giảm vẫn ở ngưỡng gần 12%.

"Việc đóng cửa thị trường trong hai ngày đã khiến nhà đầu tư tìm cách tháo chạy ngay khi mở cửa trở lại", Manny Cruz, chiến lược gia tại Papa Securities cho biết. "Nhà đầu tư đã sợ hãi và mất niềm tin, nên họ tìm cách thoát ra bằng mọi giá".

Tại thị trường trong nước, đến 10h sáng nay VN-Index giảm hơn 3,6% xuống sát ngưỡng 720 điểm. VN30-Index giảm hơn 3,5% còn 676 điểm.

Trên sàn HoSE, số mã giảm tăng lên 285 mã, với 23 mã giảm sàn, trong khi số mã chứng khoán giữ được sắc xanh chỉ còn 55 mã. Sự áp đảo của sắc đỏ trong VN30 vẫn giữ như đầu phiên.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai, VN30 đáo hạn ngày 20/3 giảm hơn 12 điểm, tương đương với thị trường cơ sở. Hợp đồng đáo hạn tháng 4 và 6 giữ basis âm dưới 10 điểm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, lãnh đạo ồ ạt mua cổ phiếu đỡ giá: HĐQT Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) thông qua việc mua lại tối đa 14,67 triệu cổ phiếu quỹ. Giá mua không vượt qua 25.000 đồng mỗi cổ phần, cao hơn 19% so với giá chốt phiên gần nhất cổ phiếu CII. 

Fecon (FCN) cũng thông qua việc mua lại 6 triệu cổ phiếu, tương đương 5% số cổ phiếu đang lưu hành. Công ty Vicostone (VCS) lên kế hoạch mua lại tối đa 4,8 triệu cổ phiếu quỹ (3% cổ phiếu đang lưu hành). Cổ phiếu FCN và VCS đều giảm trên 20% từ đầu năm.

4 nhân sự quản lý của Công ty Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) đã đăng ký mua tổng cộng gần 500.000 cổ phiếu. Thị giá MWG đã mất hơn 30% so với đầu năm và giảm gần 40% kể từ vùng đỉnh tháng 9/2019...

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Sắc đỏ tràn ngập các thị trường, NYSE tạm thời đóng cửa từ ngày 23/3 tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan