Saigonbank lên sàn UPCoM vào ngày 15/10

13/10/2020, 10:33

TCDN - Saigonbank là một trong những ngân hàng "có tuổi" trong hệ thống ngân hàng, nhưng sự trì trệ tăng vốn, cơ cấu cổ đông cô đặc nên hoạt động kinh doanh của Saigonbank lẹt đẹt và lợi nhuận trồi sụt thất thường. Ngày 15/10/2020, Saigonbank sẽ được giao dịch trên UPCoM với 308 triệu cổ phiếu, mã chứng khoán SGB.

Empty

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) là ngân hàng nhỏ, được thành lập từ năm 1987 với vốn điều lệ ban đầu 650 triệu đồng. Đến tháng 9/2012, Saigonbank tăng được vốn điều lệ lên 3.080 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay. Ngân hàng từng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 4.000 tỷ đồng nhưng chưa thành công trong nhiều năm qua.

Tính đến ngày 29/5/2020, cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 18,18% vốn. Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16,64% và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 16,35%, kế đến là Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu 14,08%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ 65,25% vốn của Saigonbank.

Ngân hàng chỉ có 3 cổ đông nước ngoài, trong đó 1 tổ chức nắm giữ 15,2 triệu cổ phiếu (tỷ lên sở hữu 4,94%) và 2 cá nhân sở hữu 164.257 cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 0,053%).

Cơ cấu cổ đông của Saigonbank

Cơ cấu cổ đông của Saigonbank

Ngày 15/10/2020, Saigonbank sẽ được giao dịch trên UPCoM với 308 triệu cổ phiếu, mã chứng khoán SGB và giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau khi được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) chấp thuận, Saigonbank là ngân hàng thứ 20 được phép giao dịch chứng khoán trên thị trường tập trung, bao gồm 10 mã niêm yết tại HOSE là VCB, CTG, BID, TCB, MBB, VPB, HDB, EIB, STB, TPB; 3 cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX là ACB, SHB, NVB và 6 cổ phiếu trên sàn UPCoM là LPB, VIB, VBB, BAB, KLB, BVB và SGB. Và tính từ đầu năm 2020 đến nay, Saigonbank sẽ là ngân hàng thứ 3 chính thức giao dịch trên sàn UPCoM, sau Ngân hàng Bản Việt (09/07/2020) và Nam A Bank (09/10/2020).

Trước đó, các cổ đông lớn đã thoái vốn khỏi Saigonbank gồm: Vietcombank thoái hết 4,3% vốn khỏi Saigonbank để đáp ứng quy định của Thông tư 36; Vietinbank cũng đã thoái toàn bộ 5,48% cổ phần tại Saigonbank vào giữa tháng 9/2019 đáp ứng quy định của Thông tư 36.

Empty

Tài sản Saigonbank có gì?

Mặc dù là một trong những ngân hàng "có tuổi" nhất trong hệ thống ngân hàng, nhưng Saigonbank lại có hoạt động kinh doanh không mấy tươi sáng, lợi nhuận trồi sụt thất thường. Cụ thể, lợi nhuận năm  2016, 2017, 2018,  2019 và Quý I/2020 lần lượt đạt: 139 tỷ đồng, 55 tỷ đồng, 41 tỷ đồng 144 tỷ đồng và 48,36 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Saigonbank được nhà đầu tư chú ý và để mắt bởi những tài sản giá trị do ngân hàng này sở hữu. Đó là mạng lưới khoảng 100 chi nhánh và phòng giao dịch hầu hết là bất động sản của Saigonbank. SaigonBank lại có nhiều tài sản là bất động sản được tích lũy từ hàng chục năm trước.

Chỉ riêng hai tài sản là Khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM và Tòa nhà Châu Văn Liêm, quận 5, TP.HCM nếu mang đấu giá bây giờ, có thể thu về số tiền bằng vốn điều lệ.

Ngoài ra, Hội sở chính của Saigonbank tại số 2C Phó Đức Chính tại quận 1, TP.HCM; số 40 Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM cùng nhiều khối bất động sản lớn khác ở quận 7 (TP.HCM), Lào Cai, Đắc Lắk…

Đó cũng là lý do giải thích vì sao những ngân hàng như Vietcombank, VietinBank từng thoái vốn khỏi Saigonbank với mức giá gấp đôi so với mệnh giá.

Empty

Đến cuối tháng 6/2020, tổng tài sản của Ngân hàng giảm gần 10% so với đầu năm, xuống còn 20.569 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt 14.151 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 2%, đạt 15.982 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng là 19,32%. Do đó, Ngân hàng không gặp vấn đề về duy trì tỷ lệ CAR theo quy định.

Riêng trong quý II/2020, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 77 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần mức đạt được cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế quý II đạt 56,3 tỷ, gấp 15,6 lần cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần 6 tháng của Saigonbank đạt 331 tỷ đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 16 tỷ đồng, giảm 20%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng hơn 3 lần, đạt 17 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng 150% đạt 30 tỷ đồng.

Empty

Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất trong 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 42% so với cùng kỳ lên 125 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch kinh doanh năm. Khoản lợi nhuận tăng vọt này được cho là mang tính kỹ thuật bởi ngân hàng giảm tới 86% trích lập dự phòng xuống chỉ còn 6 tỷ đồng. Cuối tháng 6/2020, nợ xấu nội bảng của Saigonbank là 321 tỷ đồng, tăng 39 tỷ so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ 1,94% lên 2,27%.

Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 22.968 tỷ đồng, huy động vốn đạt 19.400 tỷ đồng. Dư nợ cho vay dự kiến tăng 8,5% so với thực hiện năm 2019, đạt 16.336 tỷ đồng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng.

Ngoài ra, Saigonbank còn đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác, với giá trị ghi nhận cho tới cuối quý II/2020 đạt mức 99,3 tỷ đồng. Trong đó, có khoản góp vốn hơn 71,7 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) tương đương tỷ lệ sở hữu 2,34%.

Tình hình kinh doanh của Saigonbank từ năm 2016 đến nay

Tình hình kinh doanh của Saigonbank từ năm 2016 đến nay

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Saigonbank lên sàn UPCoM vào ngày 15/10 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan