Sầm Sơn: Nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trễ hẹn

07/06/2024, 14:37
báo nói -

TCDN - Tình trạng dự án vốn ngân sách nhà nước (NSNN) chậm tiến độ diễn ra khá phổ biến, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là lĩnh vực thuế.

Trụ sở UBND thành phố Sầm Sơn.

Trụ sở UBND thành phố Sầm Sơn.

Nhiều dự án sử dụng vốn NSNN tại Sầm Sơn bị trễ hẹn

Được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định Số 4321/QĐ-UBND ngày 28/10/2015, dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Du, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 159.894.000.000 đồng, đến nay đã gần một thập kỷ nhưng vẫn chưa hoàn thiện, công tác GPMB còn dang dở.

Ngày 03/4/2024, Sở Xây dựng Thanh Hóa có Văn bản Số 2291/SXD-HĐXD về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Công văn số 2787/UBND-CN ngày 04/3/2024.

Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND thành phố Sầm Sơn báo cáo làm rõ các nội dung theo đúng công văn số 1672/SXD-HĐXD ngày 13/3/2024 về việc điều chỉnh thời gian thực hiện Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Du, thành phố Sầm Sơn.

Ảnh chụp tại dự án Tuyến đường Tây Sầm Sơn 5: Tại công trình, nhiều sắt thép để không được bảo quản nên bị hoen gỉ nhiều nguy cơ ảnh hướng đến chất lượng công trình (nếu không xử lý trước khi thi công). Ảnh chụp hồi tháng 5/2024.

Ảnh chụp tại dự án Tuyến đường Tây Sầm Sơn 5: Tại công trình, nhiều sắt thép để không được bảo quản nên bị hoen gỉ nhiều nguy cơ ảnh hướng đến chất lượng công trình (nếu không xử lý trước khi thi công). Ảnh chụp hồi tháng 5/2024.

Mới đây, ngày 25/4/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1672/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Du, thành phố Sầm Sơn.

UBND tỉnh đồng ý chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu của dự án theo quy định, phù hợp với thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh. Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ “năm 2016 đến năm 2022”, thành “năm 2016 đến năm 2025” với lý do: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp khó khăn, tiến độ GPMB không đảm bảo theo yêu cầu.

Các nội dung khác giữ nguyên theo các quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh: Số 4321/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 về phê duyệt dự án; số 408/QĐ UBND ngày 29/01/2018, số 2737/QĐ-UBND ngày 13/7/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án.

Yêu cầu UBND thành phố Sầm Sơn quyết liệt, tổ chức thực hiện công tác GPMB dự án hoàn thành xong trước quý II/2025 theo đúng cam kết và chịu mọi trách nhiệm liên quan trước pháp luật, trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về mốc thời gian hoàn thành công tác GPMB.

UBND thành phố Sầm Sơn (chủ đầu tư) căn cứ thời gian thực hiện dự án được phê duyệt và thời gian cần thiết thực hiện phần khối lượng còn lại của dự án để quyết định thời gian hoàn thành các gói thầu (thời gian gia hạn hợp đồng), đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2025, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về quyết định của mình. Trong quá trình thực hiện việc gia hạn thời gian thực hiện gói thầu, chủ đầu tư phải làm việc với nhà thầu để phân khai, bóc tách các công việc chậm tiến độ do các nguyên nhân chủ quan, khách quan để xử lý các vấn đề phát sinh theo đúng các điều khoản hợp đồng đã ký và đúng với các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng; kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ các chi phí của dự án (chi phí điều chỉnh giá liên quan đến các khối lượng chậm tiến độ...) đảm bảo theo quy định hiện hành của pháp luật.

Tương tự, tại Dự án Xây dựng tuyến đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ Đại lộ Nam Sông Mã đến Quốc lộ 47) và tuyến đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo) thành phố Sầm Sơn, có tổng mức đầu tư 369,533 tỷ đồng vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án đến năm 2025, sau 3 năm thi công trì trệ.

Theo Quyết định số 4532/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Dự án hoàn thành vào cuối năm 2023. Tuy nhiên do gặp một số khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, vốn bố trí cho dự án còn thiếu so với nhu cầu, nên chủ đầu tư đã có tờ trình xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Được biết, tuyến đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến Quốc lộ 47) có chiều dài khoảng 1,863km với mặt cắt đường là 42,0m. Tuyến đường Hai Bà Trưng (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến đường Trần Hưng Đạo) có chiều dài khoảng 0,8 km với mặt cắt đường 30,0m. Tổng mức đầu tư là 369,533 tỷ đồng. Nguồn vốn, từ nguồn khai thác quỹ đất trên địa bàn thành phố Sầm Sơn (khu khuôn viên khách sạn Hồ Gươm), nguồn ngân sách thành phố Sầm Sơn và nguồn ngân sách tỉnh.

Theo báo cáo của UBND thành phố Sầm Sơn nguồn vốn bố trí cho dự án đến hết năm 2023 mới được 180,06/369,53 tỷ đồng (48,73%), còn thiếu 189,47/369,53 tỷ đồng (51,27%) Khối lượng còn lại của dự án chưa thi công khoảng 118,45 tỷ đồng.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký Quyết định số 1560/QĐ-UBND điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ “năm 2019 đến năm 2023”, thành “năm 2019 đến năm 2025”. Lý do điều chỉnh là công tác GPMB gặp khó khăn, tiến độ GPMB không đảm bảo theo yêu cầu; vốn bố trí cho dự án còn thiếu so với nhu cầu.

Theo quyết định, UBND thành phố Sầm Sơn căn cứ thời gian thực hiện dự án được phê duyệt và thời gian cần thiết thực hiện phần khối lượng còn lại của dự án để quyết định thời gian hoàn thành gói thầu (thời gian gia hạn hợp đồng) làm cơ sở điều chỉnh tiến độ thực hiện của gói thầu số 05 và gói thầu số 06; đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2025, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh về quyết định của mình.

Dự án vốn ngân sách nhà nước chậm tiến độ là một vấn đề cần được quan tâm giải quyết triệt để. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn bảo đảm nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Nhiều tác động tiêu cực đến Thuế

Việc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước chậm tiến độ ảnh hưởng đến thuế theo nhiều cách; chậm giải ngân vốn, kéo theo chậm thanh toán các khoản thuế liên quan như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân,... Việc chậm thuế ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, hạn chế khả năng đầu tư cho các lĩnh vực khác.

Tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, khi dự án chậm tiến độ, chi phí quản lý, vận hành dự án tăng cao, dẫn đến lãng phí nguồn lực NSNN. Ngoài ra, việc chậm thanh toán các khoản vay, lãi vay liên quan đến dự án cũng tạo gánh nặng tài chính cho ngân sách.

Bên cạnh đó, một khi bị chậm tiến độ sẽ gây nhiều bức xúc cho người dân, dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây bức xúc dư luận.

Năm 2024, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, TP Sầm Sơn đặt trọng tâm tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật lớn, trọng điểm như: Đường Tây Sầm Sơn 5 (đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã đến Quốc lộ 47); đường Nguyễn Du (đoạn từ đường Lê Thánh Tông đến đê sông Mã); đường Thanh Niên (đoạn từ chân núi Trường Lệ đến đường Tống Duy Tân), đường ven biển và cầu qua sông Mã (đoạn từ Quốc lộ 47 đến Hoằng Hóa); đường Voi - Sầm Sơn (đoạn từ đường 4A đến đường 4C)...

An Chi
Bạn đang đọc bài viết Sầm Sơn: Nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước trễ hẹn tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thanh Hóa sắp có đô thị rộng hơn 228 km2
Dự kiến huyện Đông Sơn sẽ được sáp nhập vào TP. Thanh Hóa trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2024, nâng diện tích tự nhiên của đô thị này lên hơn 228 km2, dân số gần 594.000 người, với 37 phường và 11 xã.