Sân bay Điện Biên có thể được khởi công vào cuối năm 2020

10/08/2019, 14:15

TCDN - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã cân đối đủ vốn để có thể khởi công sân bay Điện Biên vào cuối năm 2020.

Nguồn: TTXVN

Nguồn: TTXVN

Nguồn tin được Bộ GTVT đưa sau cuộc họp bàn với tỉnh Điện Biên vào ngày hôm qua 9/8. Tại cuộc họp, phía ACV khẳng định doanh nghiệp đã cân đối đủ vốn để đầu tư đồng bộ sân bay Điện Biên, bao gồm cả khu bay và khu hàng không dân dụng. Doanh nghiệp này khẳng định sẵn sàng đầu tư theo quy hoạch. Sau khi nghe ACV báo cáo, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị ACV xây dựng kế hoạch tổng thể các công việc, đảm bảo quý I-2020 hoàn tất báo cáo khả thi để cuối 2020 có thể khởi sân bay Điện Biên.

Theo Quyết định 2501/2017 của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Điện Biên là sân bay nội địa có hoạt động bay quốc tế, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Giai đoạn đến năm 2020, sân bay có công suất 300.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm, với 3 vị trí đỗ tàu bay phục vụ các loại tàu bay A320, A321 và tương đương. Định hướng đến năm 2030, công suất 2 triệu hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm với 6 vị trí đỗ tàu bay gồm 3 vị trí cho tàu bay ATR72 và 3 vị trí cho tàu bay A320.

Việc xây dựng sân bay Điện biên lần này do sân bay cũ không đáp ứng điều kiện phát triển. Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), sân bay Điện Biên hiện nay chỉ có một đường băng khai thác từ năm 1994; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng từ năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm. Do hạn chế về chiều dài đường băng nên sân bay Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác cho máy bay cỡ nhỏ như ATR72 và tương đương. 

Trước tình trạng này, trước đó, hãng hàng không Vietjet có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền  đề xuất được xây dựng sân bay Điện Biên với 1 nhà ga hành diện tích sàn khoảng 16.000m2, công suất 2 triệu hành khách/năm, 800 hành khách/giờ; xây dựng mới đường băng kích thước 2.400m x 45m, kết cấu bê tông xi măng có thể đón được tàu bay A320/B737; xây mới sân đỗ tàu bay có diện tích 21.000m2, đảm bảo đỗ cùng lúc 4 tàu bay A320/B737.

Tổng mức đầu tư dự án là 4.465 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 2.242 tỉ đồng (nhà ga hành khách 693,8 tỉ đồng, khu bay 807 tỉ đồng...); chi phí thiết bị 394 tỉ đồng; giải phóng mặt bằng là 1.101 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án là 21 tỉ đồng; lãi vay 103 tỉ đồng...

Vietjet đề xuất Nhà nước sẽ tham gia vào dự án khoảng 2.610 tỉ đồng, tương đương 58,5% tổng mức đầu tư; phần nhà đầu tư góp vốn là 1.855 tỉ đồng, tương đương 41,5% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, đề xuất của Vietjet chưa được chấp thuận do vướng về cơ chế đầu tư.

Minh Tình
Bạn đang đọc bài viết Sân bay Điện Biên có thể được khởi công vào cuối năm 2020 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận