Sửa Nghị định 20 về giao dịch liên kết: Bộ Tài chính cân nhắc tỷ lệ khống chế lãi vay mức 25-30%

26/11/2019, 17:00

TCDN - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách thuế, hải quan tổ chức sáng 26/11, Bộ Tài chính cho biết sẽ báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung tổng thể về Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu tỷ lệ khống chế lãi vay cho phù hợp, cân nhắc con số 25-30%.

tai_chinh1_abmg

Trước các ý kiến của doanh nghiệp về khó khăn vướng mắc khi thực hiện Nghị định 20, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Trên cơ sở Luật Quản lý thuế mới, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ có sửa đổi, bổ sung tổng thể về Nghị định này. Trong đó có cả quy định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như quy định cụ thể về áp dụng tỷ lệ khống chế lãi vay thuần sau khi trừ đi doanh thu và tiền gửi, tiền vay. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu tỷ lệ khống chế lãi vay cho phù hợp, cân nhắc con số 25-30% để phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam.

Ông cũng giải thích thêm, Nghị định 20 là văn bản pháp lý đầu tiên của Chính phủ quy định về giao dịch liên kết, trong đó có nội dung về chống chuyển giá. Nghị định này ban hành trên cơ sở Việt Nam đã tham gia Diễn đàn chống xói mòn thuế và chuyển lợi nhuận của OECD. Khi tham gia khối này, việc ban hành Nghị định 20 tạo ra khung khổ pháp lý để quản lý thuế trong giao dịch liên kết. 

Về kết quả thực hiện sau 2 năm, Thứ trưởng Hà cho biết: Năm 2017, có 11,1 nghìn doanh nghiệp kê khai giao dịch liên kết. Năm 2018, con số này đã lên tới hơn 11,9 nghìn doanh nghiệp, trong đó, tỷ trọng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64% và còn lại là doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, thông qua Nghị định 20, từ năm 2017 đến nay, cơ quan Thuế đã xử lý liên quan đến số thu là 11.089 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, xem xét về việc truy thu cũng như giảm khấu trừ, giảm lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của 1 số doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết, bộ đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của doanh nghiệp. Trong đó, có những vướng mắc cụ thể như quy định về khống chế 20% trên mức chi phí lãi vay đối với giao dịch liên kết đã tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, khối OECD cũng khuyến cáo mức khống chế này từ 10-30% nên khi xây dựng Nghị định 20, ngay cả các chuyên gia của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia trong nước cũng đề xuất ở mức 20%. 

Có ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng chi phí về lãi vay liên kết với các trường hợp có hoạt động về cho vay lẫn nhau chứ không nên áp dụng tổng thể về các đối tượng có giao dịch kiên kết. Về vấn đề này, theo khuyến cáo của OECD, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải rất rộng, tới tất cả các giao dịch có liên kết. Đây là nội dung phải cùng nhau đánh giá lại cho phù hợp.

Liên quan đến hoạt động của ngành nghề lĩnh vực cụ thể như: kinh doanh thu từ lãi tiền gửi cũng như thu lãi tiền vay đối với dịch vụ tài chính ngân hàng; hay hoạt động của các doanh nghiệp trung chuyển vốn; hoạt động vay vốn ODA về cho vay lại, hoạt động kí quỹ trong các tập đoàn, tổng công ty… đều liên quan đến giao dịch liên kết, cũng cần đánh giá kĩ.

Đông Phong
Bạn đang đọc bài viết Sửa Nghị định 20 về giao dịch liên kết: Bộ Tài chính cân nhắc tỷ lệ khống chế lãi vay mức 25-30% tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bàn về mức khống chế chi phí lãi vay tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP
Mức khống chế chi phí lãi vay theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị đinh 20/2017/NĐ-CP nhằm quản lý, chống thất thu thuế TNDN với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam không có hoạt động giao dịch xuyên biên giới đang là rào cản lớn.