Sức mua tại các chợ truyền thống vẫn trầm lắng

19/03/2025, 14:02

TCDN - Tiểu thương và doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực kích cầu nhưng sức mua vẫn ì ạch từ đầu năm.

"Chợ búa giờ buôn bán kiểu gì chẳng hiểu nổi, sốt cả ruột," là lời than thở quen thuộc của nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống khi được hỏi về tình hình kinh doanh từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Bà Phương, một tiểu thương kinh doanh thịt heo lâu năm tại chợ Ông Địa (Tân Phước, quận Tân Bình, Tp.HCM), ngán ngẩm kể rằng cảnh ế ẩm đã trở thành "chuyện thường ngày" trong vài năm qua. Tuy nhiên, tình hình mua bán càng thêm trầm lắng khi giá thịt heo liên tục leo thang.

"Giá thịt heo tăng như giá vàng, làm người đi chợ chẳng mặn mà gì nữa. Đời nào mà giá thịt ở chợ lại lên tới 300.000 đồng/kg, gấp đôi năm ngoái. Giờ họ chuyển sang mua thịt gà, thịt đông lạnh cho rẻ hơn," bà Phương chia sẻ với vẻ bất lực.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại chợ Trần Văn Quang, nơi bà Hoa, một tiểu thương khác, cho biết lượng khách giảm đến 40-50% so với trước đây. "Trước kia tôi nhập 3-4 mảnh heo là bán hết trong ngày, giờ chỉ nhập 2 mảnh mà còn ế đến chiều," bà Hoa nói.

Sức mua tại chợ truyền thống vẫn trầm lắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Sức mua tại chợ truyền thống vẫn trầm lắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Không chỉ thịt heo, các mặt hàng rau củ quả dù giá cả ổn định nhưng sức mua cũng giảm sút. Một chủ cửa hàng rau củ hữu cơ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) chia sẻ rằng doanh số hiện nay giảm 20-30%, dù giá cả chỉ nhỉnh hơn chút ít so với rau củ ở chợ. "Khách hàng có lẽ thích mua ở siêu thị hơn vì không gian mát mẻ, tiện nghi và giá cả cạnh tranh," bà nhận định.

Đối với nhóm hàng thời trang và đồ khô, tình hình còn bi đát hơn. Nhiều quầy sạp tại chợ Tân Bình, An Đông đã phải đóng cửa, nhường chỗ cho các phương thức bán hàng trực tuyến. Bà Hồng Diệu, một tiểu thương bán áo quần tại chợ Tân Bình, thở dài: "Cả khu chợ giờ sáng ra chỉ thấy người bán nhiều hơn người mua. Ai biết livestream thì còn bán được, còn như tôi chỉ biết dùng Zalo thì cũng chẳng ăn thua gì."

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công với bán hàng trực tuyến. Bà Ng., một tiểu thương tại chợ An Đông, từng đầu tư máy móc để livestream nhưng không thu hút được nhiều khách. Cuối cùng, bà phải trả mặt bằng, mang hàng về nhà bán online cầm chừng. "Khi người dân thắt lưng buộc bụng, việc thuyết phục họ chi tiêu thật sự không dễ dàng," bà Ng. than thở.

Tình trạng chợ truyền thống vắng khách cũng được đại diện nhiều ban quản lý chợ thừa nhận. Tại chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), chỉ còn 278 trên tổng số gần 500 sạp còn hoạt động. Tương tự, chợ Vườn Chuối (quận 3) hiện có chưa tới một nửa số sạp mở bán.

Theo Sở Công Thương Tp.HCM, lượng khách đi chợ truyền thống giảm 40-50% so với năm 2019, dù các chương trình kích cầu liên tục được triển khai. Nguyên nhân chủ yếu là do sức mua yếu và sự cạnh tranh gay gắt từ các kênh bán hàng hiện đại.

Để cải thiện tình hình, Sở Công Thương đang phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật Tp.HCM xây dựng đề án đổi mới chợ truyền thống. Theo đó, trong tổng số 232 chợ hiện tại, dự kiến chỉ còn 195 chợ được duy trì sau quá trình sắp xếp, với 37 chợ được giải tỏa, sáp nhập hoặc chuyển đổi công năng.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định: "Chợ truyền thống là linh hồn của đô thị, nhưng để vực dậy cần những chính sách thiết thực. Chợ phải được hiện đại hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng và không gian thân thiện. Kinh nghiệm từ Singapore, Hàn Quốc cho thấy, với sự hỗ trợ từ chính quyền và nhà nước, chợ truyền thống hoàn toàn có thể lấy lại sức sống."

Tiểu thương và doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực kích cầu, sức mua vẫn ì ạch từ đầu năm.

Tiểu thương và doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực kích cầu, sức mua vẫn ì ạch từ đầu năm.

Dẫu vậy, chợ truyền thống vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa và kinh tế của người dân đô thị. Không chỉ là nơi giao thương, chợ còn là không gian kết nối cộng đồng và lưu giữ những giá trị truyền thống lâu đời. Để khôi phục sức sống cho chợ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, tiểu thương và cộng đồng.

Những giải pháp thiết thực như cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường quảng bá thương hiệu chợ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, và hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi mô hình kinh doanh là điều cần thiết. Hơn hết, chính sách ưu đãi, hỗ trợ chi phí mặt bằng và nâng cao chất lượng hàng hóa sẽ giúp tiểu thương vững tâm kinh doanh.

Thanh Thanh
Bạn đang đọc bài viết Sức mua tại các chợ truyền thống vẫn trầm lắng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

x