"Tài chính đất đai là chuyển biến lớn trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi"

19/10/2022, 20:26
báo nói -

TCDN - Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tại tọa đàm "Nghị quyết 18 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi)", tổ chức vào sáng 19/10.

Phải đổi mới phương pháp định giá đất để phù hợp giá thị trường

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, mục đích sửa đổi Luật Đất đai là nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 và một số Nghị quyết quan trọng khác của Đảng như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương có liên quan đến đất đai.

Đồng thời, sửa đổi Luật Đất đai còn đề ra chủ trương mới, tư duy mới trong quản lý đất đai, đặc biệt trong thể chế hóa công tác quản lý đất đai phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Theo Bộ trưởng Hà, sửa đổi luật có 4 nhóm nội dung then chốt. Liên quan quy hoạch quản lý đất đai, Luật Đất đai cùng các luật khác như Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch ngành có sử dụng đất, quy hoạch tỉnh phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Các quy hoạch này phải tương tác để mang lại hiệu quả tốt hơn cho quản lý sử dụng đất cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Quy hoạch sử dụng đất có 3 cấp là quốc gia, tỉnh, huyện. Thông qua quy hoạch đất đai này, tiếp tục khẳng định vai trò của nhân dân, khẳng định sự tham gia của người dân, thể hiện tính dân chủ. Những vấn đề liên quan thu hồi đất, quản lý đất đai phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất đai.

Cùng với đó là vấn đề định giá đất đai, tài chính đất đai, theo đó, sẽ thay đổi lại toàn bộ phương pháp định giá đất đai. “Hiện có 4 phương pháp theo thông lệ quốc tế song chưa mang lại hiệu quả. Chúng ta có rất nhiều bảng giá, khung giá, giá đất cụ thể, nhưng thực tế tính chính xác chưa cao. Lần này, đã bỏ đi khung giá đất và xác định bảng giá đất hàng năm, đặc biệt phải đổi mới phương pháp định giá để phù hợp giá thị trường. Giá thị trường là giá đất mang tính phổ quát nhất trong điều kiện bình thường, không có biến động. Muốn có giá đất theo giá thị trường, phải có cơ sở dữ liệu thông tin đất đai chính xác. Khi có bảng giá đất thị trường thì việc định giá cụ thể sẽ xác định được”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Về công tác quản lý đất đai, theo Bộ trưởng, sẽ chuyển sang giai đoạn mới là hực hiện các trách nhiệm với đất đai chủ yếu theo bảng giá đất; đồng thời là cơ sở cho đấu giá đất đai. Người dân khi làm các hợp đồng mua bán bất động sản thì giá kê khai trên hợp đồng chính là giá đánh vào nghĩa vụ thuế.

Đặc biệt, để thu thập cơ sở dữ liệu đất đai, phải có dữ liệu về các giao dịch trên thị trường, gồm cả giao dịch của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và giao dịch của người dân đến đăng ký ở Văn phòng đăng ký đất đai. Khi kết hợp với việc xây dựng được bản đồ địa chính số thì có dữ liệu của giá đất giao dịch trên thị trường, đưa giá đất về sát thị trường.

“Đặc biệt, khi có bảng giá đất chính xác, hoàn toàn xác định được địa tô chênh lệch do nhà đầu tư hay Nhà nước đầu tư tăng lên và hoàn toàn điều tiết được. Nói chung, tài chính đất đai là chuyển biến lớn trong dự án Luật này”, người đứng đầu Bộ TN&MT khẳng định.

Dự án phát triển phải tính đến an sinh xã hội

Bên cạnh đó, vấn đề chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một trong những vấn đề gây bức xúc, với 60 – 70% khiếu nại, tố cáo. “Chúng ta cần thay đổi khái niệm “giải phóng mặt bằng”, mà hình dung đó là quá trình chuyển dịch kinh tế đi đôi chuyển dịch sử dụng đất, có sự tham gia của người nông dân vào quá trình này.

Do đó, phải xem xét để các chính sách đền bù, bồi thường, tái định cư, bảo đảm sinh kế, thu nhập của người dân phải bằng, tốt hơn so với trước khi có dự án. Nói cách khác, trong những chính sách và từng dự án phát triển phải tính ngay đến an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, chia sẻ các lợi ích mang lại từ quá trình phát triển đó”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Dự án phát triển phải tính đến an sinh xã hội.

Dự án phát triển phải tính đến an sinh xã hội.

Một vấn đề quan trọng nữa được dự án Luật xác định là phải hiện đại hóa quản lý, tinh gọn bộ máy, phân cấp triệt để, thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công phục vụ nhân dân. Quá trình chuyển đổi số thông qua xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai toàn diện, tích hợp, đa mục tiêu, trong đó có dữ liệu về giá đất. Mọi dịch vụ cung cấp cho người dân phải được thông qua hệ thống này. Nhờ chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch sẽ giúp người dân được quyền biết, giám sát thông tin theo quy định của pháp luật.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, Nghị quyết 18 đưa ra yêu cầu về việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất. Nội dung này có ý nghĩa quan trọng, nhằm thể chế hóa quan điểm quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của nhân dân. Nhân dân được tạo điều kiện để tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững. Quan điểm là kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai một cách lãng phí.

Luật Đất đai hiện hành đã có quy định cụ thể các trường hợp giao đất, thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và các trường hợp giao đất, thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, theo bà Trần Hồng Nguyên, hiện chưa có quy định về giao đất, cho thuê đất cho người đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định hiện nay trong Luật Đất đai chưa đề cập, do đó Nghị quyết 18 đưa ra định hướng về nội dung này rất cần thiết.

Còn PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Phó chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trước đây, Nhà nước với vai trò là đại diện chủ hữu toàn dân về đất đai thực hiện giao đất, cho thuê đất. Điều này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Thời gian qua cho thấy, nếu vẫn quy định như cũ sẽ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhiều quan chức đã phải chịu vòng lao lý. Nên lần này, dự thảo Luật định vị lại cũng là phương thức nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng hơn thông qua thuê đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Trước đó, chiều ngày 17/10, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp báo trong nước và quốc tế về dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, kỳ họp thứ 4 sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 20/10/2022, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022.

Tại kỳ họp này Quốc hội cũng tiến hành cho ý kiến 7 dự án Luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

PV (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Tài chính đất đai là chuyển biến lớn trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi" tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Sửa đổi Luật Đất đai: Nhìn từ chính sách tài chính
Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai, chính sách tài chính về đất đai đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể, tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chính sách này hiện vẫn chưa khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; chưa hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật về đất.
VCCI: Dự thảo Luật Đất đai chưa đảm bảo thuận lợi cho nhà đầu tư
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, phản ánh của doanh nghiệp là giá trị quyền sử dụng đất biến động theo thời gian, vì vậy khó có căn cứ để xác định việc xác định giá trị quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng được quy hoạch cao hơn giá trị quyền sử dụng đất hiện trạng.