Thaco đề xuất giảm lệ phí trước bạ, gia hạn nộp thuế với ôtô sản xuất trong nước

04/01/2024, 14:51
báo nói -

TCDN - Thaco đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ thêm một khoảng thời gian và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco). Đồng thời, rà soát, kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, đề xuất Chính phủ theo đúng quy định. 

Trước đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã có văn bản đề xuất các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo doanh nghiệp này, kinh tế trong và ngoài nước đã trải qua khó khăn nhiều năm liên tiếp và dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà suy thoái trong năm tới, khiến cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nói riêng phải gồng mình chống đỡ trong những năm qua đến nay hầu như đã cạn kiệt. Đặc biệt, về nguồn lực tài chính, thể hiện qua lượng tồn kho vật tư linh kiện và xe thành phẩm tăng cao.

THACO đề xuất đề xuất giảm lệ phí trước bạ, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

THACO đề xuất đề xuất giảm lệ phí trước bạ, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Do vậy, nếu không có các chính sách kích cầu mua sắm, lượng hàng tồn kho dự báo sẽ tiếp tục tăng, làm phát sinh hàng loạt chi phí như: Chi phí lưu kho, chi phí bảo quản xe thành phẩm, chi phí sửa chữa/bảo dưỡng xe lưu kho, khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp này cũng cho biết, từ năm 2020 đến nay các chính sách Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã kịp thời hỗ trợ, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Đặc biệt là chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi kích cầu tiêu dùng trong nước. Mặc dù chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng cũng gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì sản xuất kinh doanh, từ đó tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Do vậy, để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, Thaco đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ có tính đột phá trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (như đã thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2023) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong nước.

Cụ thể, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024.

"Để các chính sách mới thực sự phát huy hết hiệu quả, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, các chính sách cần sớm được ban hành áp dụng từ quý 1/2024" - Thaco đề xuất. 

Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. 

Theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước và kinh tế xã hội.

Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ôtô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. 

Qua đó, hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng ôtô tồn kho kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Đồng thời, thúc đẩy các nhà sản xuất ôtô trong nước đẩy mạnh sản xuất, lắp ráp xe mới đưa vào thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN.

Nhờ các mức lệ phí trước bạ ưu đãi theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ, tổng sản lượng sản xuất ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước của Việt Nam ước đạt 347.400 chiếc, chỉ giảm 12,3% so với năm 2022, tức thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ sụt giảm sức mua chung của toàn thị trường, theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Thống kê. 

Trong nửa cuối năm 2023, hầu hết các hãng ôtô trong nước đã tiến hành giảm giá, ưu đãi dành cho người tiêu dùng với giá trị tương đương 50% lệ phí trước bạ phải nộp. Nhờ đó, nhiều mẫu xe có được mức hỗ trợ tương đương 100% lệ phí trước bạ, qua đó góp phần kích thích nhu cầu mua sắm của người dân, doanh nghiệp. 

Theo tính toán của các chuyên gia, nhờ chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho các chiến dịch kích cầu. Tuy nhiên, lợi thế về chính sách của mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã bắt đầu mất đi kể từ đầu năm 2024, qua đó cân bằng khả năng cạnh tranh với các loại ôtô nhập khẩu nguyên chiếc.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2024 trở đi mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. 

Một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La và Cần Thơ áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 12% trên giá bán lẻ.

Mức thu lệ phí trước bạ 10% được áp dụng tại Tp.HCM và các tỉnh, thành phố còn lại. Tỉnh Hà Tĩnh là trường hợp duy nhất áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 11%.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Thaco đề xuất giảm lệ phí trước bạ, gia hạn nộp thuế với ôtô sản xuất trong nước tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tổng tài sản Thaco tương đương Vinfast
Cuối năm 2022, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương có tổng tài sản đạt trên 153.000 tỷ đồng (khoảng 6,5 tỷ USD), tương đương với VinFast Việt Nam hay Massan Group. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này công bố các số liệu tài chính từ khi hủy tư cách công ty đại chúng vào tháng 5/2021.