Thanh Hóa: Chấn chỉnh công tác quản lý giá đất

16/05/2021, 15:51

TCDN - UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có chỉ đạo tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất nhằm tránh hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi.

Theo Công văn số 6422/UBND-KTTC của UBND tỉnh Thanh Hóa, để tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, tránh hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi; thực hiện Công văn số 1454/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 30/3/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện như sau:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4692/UBND-CN ngày 12/4/2021 và các văn bản có liên quan.

Tổ chức công bố công khai các thông tin về quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra khi giao dịch đất đai, bất động sản mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao dịch mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình để kịp thời công bố các thông tin liên quan đến tình hình giá đất trên địa bàn; tuyệt đối không đưa những thông tin về giá đất khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, để tránh bị lợi dụng, lan truyền nhằm trục lợi.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất.

Đồng thời, cơ quan này có trách nhiệm kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật... Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan, xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ xây dựng, thẩm định giá đất cụ thể cho UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thanh Hóa sục sôi trong cơn sốt đất

Thanh Hóa sục sôi trong cơn sốt đất

Thời gian vừa qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia vào các giao dịch bất động sản bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi. 

Tình trạng này tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,...

Giá đất theo đó tăng trung bình khoảng 50-60% so với cuối năm 2020, theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. Thậm chí, những lô đất tại khu vực xấu, hạ tầng kém, đất trong ngõ nhỏ từ xưa không ai hỏi cũng bỗng dưng tăng giá, được nhiều người tìm mua.

Bên cạnh đó, giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động 12-15 triệu đồng một m2, có nơi trên 20 triệu đồng một m2, cao gấp 2-3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của nhà nước.

Trước đó, để ngăn chặn tình trạng "sốt đất ảo" trên địa bàn, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những động thái chỉ đạo mạnh tay như chỉ đạo các cơ quan tiếp tục công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án được phê duyệt trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh này tăng kiểm tra, kiểm soát việc chuyển nhượng quyền, mục đích sử dụng đất; xử lý hành vi không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm so với tiến độ quy định,...Đồng thời, tỉnh khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả nếu giao dịch bất động sản chưa được cấp phép. Những động thái quyết liệt trên đã giúp hiện tượng giá đất "đột biến", "sốt ảo" bước đầu được kiểm soát.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Chấn chỉnh công tác quản lý giá đất tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hà Nội sốt đất, giá tăng đột biến đến 200%
Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trong thời gian việc sốt đất gồm đất ở nông thôn, đất vườn - ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi giá đất tăng lên 100%, đột biến tăng 200%.