"Khi còn doanh nghiệp hàng không thống lĩnh thị trường thì không được bỏ giá trần vé máy bay"

16/05/2021, 11:00

TCDN - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chi sẻ, chỉ khi nào thị trường hàng không không còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thì nhà nước mới nên để thị trường quyết định giá vé, bỏ giá trần vé máy bay.

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Liên quan đến đề xuất bỏ giá trần vé máy bay trên đường bay nội địa có từ 3 hãng cùng khai thác để tăng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ của Cục Hàng không Việt Nam, ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã có chia sẻ với Tài chính Doanh nghiệp.

Ông Long cho biết, hiện nay nhà nước có 2 phương thức quản lý giá đó là nhà nước định giá và để cho thị trường định giá.

Nếu là thị trường cạnh tranh thực sự đầy đủ nhà nước sẽ để cho thị trường định giá. Nhà nước chỉ can thiệp bằng các biện pháp gián tiếp như sử dụng các công cụ tài chính, tín dụng, thương mại và các biện pháp khác…

Nếu còn doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền thì nhà nước định giá trần để điều tiết thị trường, bảo vệ người tiêu dùng.

Luật Cạnh tranh quy định, doanh nghiệp được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường trong các trường hợp: một doanh nghiệp chiếm thị phần từ 30% trở lên; hai doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 50% trở lên; ba doanh nghiệp chiếm tổng thị phần là từ 65% trở lên; hoặc bốn doanh nghiệp chiếm tổng thị phần từ 75% trở lên… 

Ông Ngô Trí Long phân tích: đơn cử như thị trường bán lẻ xăng dầu hiện nay có 38 doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp nhưng riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chiếm 47% thị phần; 3 doanh nghiệp là Petrolimex, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) chiếm gần 70% thị phần. Do đó nhà nước vẫn phải định giá bán xăng dầu.

Việc đề xuất bỏ giá trần vé máy bay là chưa đúng.

Việc đề xuất bỏ giá trần vé máy bay là chưa đúng.

Đối với hàng không, chỉ riêng Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet) và Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đã chiếm trên 80% thị phần vận tải nội địa.

Theo ông Long, khi những doanh nghiệp có vị trí độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường được tự định giá thì sẽ tự tăng giá, các doanh nghiệp khác cũng sẽ tăng theo và người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

“Cho nên với thị trường hàng không theo các quy định hiện hành nhà nước vẫn phải quản lý và định giá trần để ngăn doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá, bảo vệ người tiêu dùng”, ông Long khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Long cho biết, không thể căn cứ số lượng doanh nghiệp hoạt động trên thị trường mà phải căn cứ vào tính chất độc quyền hay thống lĩnh mà nhà nước điều tiết giá.

"Đề xuất bỏ giá trần vé máy bay với đường bay nội địa có từ 3 hãng cùng khai thác trở lên của Cục Hàng không Việt Nam là không phù hợp với Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh", ông Long khẳng định.

Ngoài ra, theo ông Long hiện nay trong nền kinh tế thị trường đang có 2 quan điểm trong đó có quan điểm nhà nước không nên định giá mà để cho thị trường tự quyết định giá.

“Tuy nhiên, đó là quan điểm chưa đúng. 2 bàn tay mới làm nên tiếng vỗ. Bàn tay của thị trường là bàn tay vô hình có những điểm tích cực nhưng cũng có những tiêu cực. Vì vậy cần bàn tay hữu hình của nhà nước để hạn chế tiêu cực đó. Đó là vai trò quản lý của nhà nước. Khi thị trường có biến động giá, nhà nước phải can thiệp”, ông Long chia sẻ.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết "Khi còn doanh nghiệp hàng không thống lĩnh thị trường thì không được bỏ giá trần vé máy bay" tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan