Thanh Hóa: Khuất tất chuyện đền bù tại dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trường Lâm
TCDN - Từ các thửa đất tập thể với đơn giá bồi thường 0 đồng đã được phù phép thành đất của dân để rút vốn ngân sách tới hơn ba tỷ đồng?
Mới đây, tòa soạn Tài chính Doanh nghiệp nhận được đơn thư phản ánh của người dân về việc một số hộ dân trên địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bỗng dưng lại có tên trong danh sách đền bù đất thuộc dự án xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn Trường Lâm, trong khi phần lớn nằm trong vùng dự án là đất công ích của xã cho thuê thầu.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Trường Lâm được chấp thuận chủ trương tại Quyết định số 818/QĐ – UBND ngày 15/3/2010 của UBND tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích cần được GPMB là 40,03 ha; trong đó giai đoạn 1 là 28,99 ha và giai đoạn 2 là 11,04 ha. Khu vực GPMB để thực hiện dự án này thuộc địa phận đồng Kin, thôn Minh Châu, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Mặc dù diện tích GPMB thực hiện dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trường Lâm thuộc địa giới hành chính tỉnh Thanh Hóa, do UBND xã Trường Lâm quản lý nhưng lại được người dân khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An xâm canh từ năm 1964.
Ngày 22/7/2013, UBND huyện Tĩnh Gia có Quyết định số 1074/QĐ – UBND về việc phê duyệt dự toán kinh phí bồi thường GPMB dự án: Khu xử lý chất thải rắn Trường Lâm.
Theo đó, tổng mức kinh phí bồi thường dự toán khoảng 5 tỷ. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm kê tài sản, đền bù tại dự án này có nhiều mập mờ nên dẫn tới việc người dân gửi đơn thư đến cơ quan báo chí.
Nội dung đơn phản ánh cụ thể: “...một số hộ nguồn gốc đất là đất công ích không thuộc diện được đền bù nhưng vẫn có hồ sơ nhận hỗ trợ tiền đất ngoài diện tích hoa màu trên đất; có hay không việc Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn lại chi hỗ trợ người dân Tân Hùng (Hoàng Mai, Nghệ An) với số tiền gần 1 tỷ đồng, dẫn đến việc thất thoát tiền ngân sách nhà nước..”
Tìm hiểu được biết, năm 2002 thực hiện Nghị quyết số 02/NQ – TU của Tỉnh uỷ Nghệ An về công tác dồn điền đổi thửa, HTX Hùng Thắng – là đơn vị quản lý đất nông nghiệp lúc bấy giờ trên địa bàn đã thu toàn bộ diện tích đất ở đồng Kin thu rồi chia lại cho bà con nông dân. Trong quá trình chia đất Ban chủ nhiệm HTX đã để ra ngoài sổ sách 32 mẫu (tương đương 16 ha) để làm đất công ích, đất giao cho bảo vệ đồng canh tác và cho thầu khoán.
Trong tổng số 16 ha đất công ích trên, nhiều diện tích diện tích sau khi giao cho bảo vệ đồng Kin canh tác để tăng thu nhập, đổi lại việc HTX không phải trả tiền công cho bảo vệ đồng. Tuy nhiên, một số thửa đất đã bị bỏ hoang trong suốt một thời gian rất dài…
Sau khi được chấp thuận chủ trương thành lập nhà máy, có Quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí đền bù… người dân bức xúc cho rằng, tại sao chính những mảnh đất bỏ hoang bấy lâu, có nguồn gốc từ đất công ích do xã quản lý vì lý do gì lại được nhận tiền đền bù theo nguồn gốc đất ở nông thôn…?
Tài chính Doanh nghiệp tiếp tục thông tin vụ việc này.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899