Vụ xét tuyển viên chức ở Sở TNMT Thanh Hóa: Bằng giả, chưa có bằng vẫn đậu
TCDN - Trong số các phản ánh tiêu cực tại Sở TNMT Thanh Hóa qua đợt xét tuyển viên chức vừa qua, có nội dung thí sinh dùng bằng đại học giả, hoặc chưa có bằng tốt nghiệp vẫn đậu?
Sau một loạt dấu hiệu bất thường trong đợt xét tuyển viên chức tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) ở Thanh Hoá mà tòa soạn Tài chính Doanh nghiệp đã thông tin ở những bài trước. Trong quá trình tìm hiểu, xác minh đơn thư cùng tài liệu, nhiều thông tin "lệch pha" liên quan trực tiếp đến kỳ thi xét tuyển này tiếp tục được phóng viên phát hiện.
Có thể bạn quan tâm:
Khuất tất trong tuyển dụng tại Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa?
Vụ xét tuyển viên chức ở Sở TNMT Thanh Hóa: Sở làm ngược Quyết định của UBND tỉnh
Sở TNMT Thanh Hóa xét tuyển viên chức theo kiểu "không giống ai"
Xét tuyển viên chức ở Sở TNMT Thanh Hóa: Có thêm nhiều điểm “lạ”
Bằng "dởm" vẫn nằm trong danh sách đạt
Như đã cung cấp thông tin từ những bài trước, sau khi nghi ngờ về kết quả trúng tuyển của thí sinh P.V.B ở Hậu Lộc nên công dân đã có đơn thư tố cáo gửi lên UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng thời gửi đơn thư phản ánh tới cơ quan báo chí.
Cụ thể, trong đơn công dân vô cùng bất ngờ khi việc ông P.V.B, một người chưa học hết cấp 2 bỏ học ngang, sau bằng cách nào đó theo học chương trình đào tạo từ xa của trường ĐH Thái Nguyên, và đặc biệt chưa hề có một ngày công tác tại Văn phòng đăng ký QSD đất lại dễ dàng lọt qua 02 vòng xét tuyển.
Được biết, ngày 23/3/2020, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 52/QĐ-SNV về việc kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật, của UBND tỉnh về tuyển dụng viên chức, thực hiện số lượng người làm việc và tiếp nhận, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa trực thuộc Sở Tài nguyên và môi trường.
Theo đó, thời gian kiểm tra là 25 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra.
Hơn nữa, nội dung đơn cũng thẳng thắn thể hiện như thế là trái ngược hoàn toàn với Quyết định 1942/QĐ – UBND ngày 07/6/2017 UBND tỉnh Thanh Hóa về ban hành quy định tuyển dụng viên chức rất cụ thể như; “…ưu tiên các trường hợp đã ký hợp đồng lâu năm, có năng lực, phù hợp với vị trí cần tuyển dụng…”.
Và để sáng tỏ những thông tin tố cáo về tiêu cực trong đợt xét tuyến này, phóng viên Tài chính Doanh nghiệp đã mất rất nhiều thời gian thu thập thông tin, tiếp cận những nơi được cho là thí sinh này từng tham gia học tập, công tác…
Trong thông báo trúng tuyển số 34/TB-STNMT, thí sinh P.V.B tốt nghiệp Đại học, chuyên ngành Quản lý đất đai, kết quả thi được được 72 điểm (đạt).
Sau khi đối chiếu giữa thông tin công bố công khai cùng hồ sơ dự tuyển của thí sinh này thì bằng cấp, chuyên ngành đều không có sự sai lệch.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với trường Đại học nơi thí sinh này đã theo học và được cấp bằng tốt nghiệp với số hiệu bằng: 5194xx thì phía nhà trường đã khẳng định “Nhà trường không cấp bằng tốt nghiệp đại học hệ vừa làm vừa học ngành quản lý đất đai cho ông P.V.B ngày sinh 19/5/1985…”
Như vậy, có thể cho thấy những gì đơn thư phản ánh là khách quan, có căn cứ. Cũng như phần nào đánh giá được mức nghiêm trọng của một kỳ thi xét tuyển viên chức tại Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra.
Bên cạnh trường hợp bằng “dởm” dễ dàng lọt qua như thí sinh P.V.B đã nêu, có những trường hợp chưa được cấp bằng tốt nghiệp vẫn trúng tuyển. Và sự việc nếu đúng như vậy là đi ngược hoàn toàn với các nguyên tắc, vi phạm nghiêm trọng điều luât trong thi tuyển viên chức.
Như đơn phản ánh nêu rõ, thí sinh Đinh Xuân T., đăng ký dự tuyển từ Văn phòng Đăng ký huyện Hoằng Hòa có số điểm 58, ngành học quản lý đất đai dự tuyển vào vị trí Kỹ thuật địa chính,. Nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển thí sinh này chưa có bằng đại học.
Được biết, hạn cuối nộp hồ sơ dự xét tuyển của Sở TNMT là ngày 14/12/2019. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, thí sinh Đinh Xuân T., bằng đại học mãi tới ngày 27/12/2019 mới được ký, và ngày nhận bằng là 10/02/2020.
Theo Quy định về thi tuyển và xét tuyển viên chức theo quy định hiện hành tại Văn bản hợp nhất 03/NĐHN-BNV năm 2019, hợp nhất Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 và Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 cụ thể như sau về điều kiện dự tuyển: “Phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm”.
Như vậy, người dự xét tuyển phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp thì mới có điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức, công chức. Và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời không phải là văn bằng bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Giáo dục đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định: "1. Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương".
Bằng trái ngành lại trúng tuyển
Ngày 21/01/2020 Sở TNMT có Thông báo số 34/TB-STNMT công bố két quả xét tuyển vòng 02 viên chức làm việc tại Văn phòng Đăng ký đất đai Thanh Hóa năm 2019 (vòng cuối cùng - PV).
Tuy nhiên, nhìn vào bảng thông báo kết quả, không khó để nhận ra việc một loạt thí sinh tham dự xét tuyển vào vị trí Đăng ký và cấp GCN tốt nghiệp có các ngành học không mấy liên quan gì nhau như: Quản trị kinh doanh, Kế toán, trong đó có cả ngành Nông học (?)
Trong số thí sinh trái ngành này, đáng chú ý nhất là thí sinh Trần Thị H., số báo danh 00403 từ đơn vị Văn phòng Đăng ký huyện Thiệu Hóa có số điểm 88 (đạt), ngành hoặc chuyên ngành đào tạo ghi rất rõ là “Nông học”.
Từ những nguồn thông tin có được, phóng viên đã xác minh thí sinh Trần Thị H., tốt nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2017, ngành đào tạo “Khoa học và cây trồng”.
Được biết, ngành Khoa học cây trồng sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về: giải phẫu, di truyền và đặc điểm thực vật học; đặc điểm sinh trưởng và phát triển; đặc điểm sinh lý và sinh lý năng suất các loại cây trồng…
Hơn nữa, với trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì Nông học là một Khoa chứ không phải một Ngành học như Sở TNMT đã xét duyệt, công bố.
Chị D.,thí sinh dự thi xét tuyển khu vực Thành phố Thanh Hóa cho biết: "Trái ngành nghề thì sao có khả năng mà làm, học Công nghệ môi trường thì xử lý môi trường, Nông học Thì về làm nông nghiệp chứ, làm trái thế thì trước hết mất công đào tạo lại, trong khi có huyện trượt không còn một ai thì lấy đâu ra người đào tạo lại".
"Ngoài ra, học trái ngành thế thì làm sao có thể hiểu hết được Luật Đất đai, giờ đất đai kiện tụng nhiều, sau này về một cấp thì họ làm sao có thể tham gia trả lời đơn công dân được". Chị D., nói thêm.
Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa lại đưa ngành “Nông học” cũng như nhiều ngành khác không liên quan gì đến vị trí Đăng ký và cấp GCN vào làm tiêu chí xét tuyển (?!).
Tài chính Doanh nghiệp sẽ thông tin tiếp sự việc này đến bạn đọc.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899