Thanh Hóa: Kiên quyết xử nghiêm đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý
TCDN - Trưởng BCĐ 389 Thanh Hóa yêu cầu xử lý nghiêm hành vi đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính trong tình huống dịch bệnh và thị trường khan hiếm.
Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm
Qua theo dõi của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa, hiện nay có tình trạng một số cơ sở kinh doanh, cửa hàng thuốc tân dược lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhu cầu tăng cao của người dân để găm hàng và tăng giá, nhiều cửa hàng và các shop bán hàng online quảng cáo, bày bán các sản phẩm là thực phẩm chức năng, thuốc hỗ trợ và điều trị COVID19 “xách tay” nhập lậu từ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng và lưu hành…, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch.
Để đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn vị; cung ứng đầy đủ, liên tục các mặt hàng xăng dầu, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc phòng, chữa bệnh COVID – 19, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa) đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.
Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ bình ổn thị trường hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường theo lĩnh vực phân công, địa bàn phụ trách, đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hoá thông suốt, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ trục lợi, găm hàng, chờ tăng giá hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý.
Kịp thời nắm bắt thông tin khi xuất hiện tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID - 19, chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm.
Công an tỉnh Thanh Hóa tăng cường hoạt động điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không được phép lưu hành, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại, nhất là hành vi đầu cơ trục lợi, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính trong tình huống dịch bệnh và thị trường khan hiếm.
Ông Thi cũng chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hoá, các cơ quan thông tin đại chúng chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về tình hình sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá xăng dầu, thiết bị vật tư y tế, thuốc tân dược và các mặt hàng thiết yếu để định hướng mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân, góp phần giữ bình ổn thị trường hàng hóa trong tỉnh Thanh Hóa.
Đảm bảo giữ ổn định tình hình thị trường
Đối với công tác quản lý thị trường trang thiết bị vật tư y tế và thuốc tân dược phục vụ công tác phòng, chống dịch và điều trị COVID – 19, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thanh Hóa giao Sở Y tế Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài chính và cơ quan, lực lượng chức năng triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 854/BYT-TB-CT ngày 23/02/2022 về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của các ngành, các cấp có liên quan. Tập trung vào các nhiệm vụ, như chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hoà ôxy trong máu SpO2...), dược phẩm, thuốc chữa bệnh COVID-19 trên địa bàn chủ động có kế hoạch tăng cường sản xuất, kinh doanh, cung ứng đủ các sản phẩm, hàng hóa theo nhu cầu sử dụng của người dân, thực hiện bình ổn giá, không bán hàng cho các đơn vị, cá nhân có dấu hiệu thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Tăng cường tuyên truyền, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nội dung về kê khai, niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết, không lợi dụng dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa để định giá, tăng giá bán bất hợp lý; không găm hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá bán nhằm thu lợi bất hợp pháp, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hóa chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Thường xuyên thông tin đến người dân về tình hình cung – cầu thị trường, giá cả hàng hóa để Nhân dân yên tâm, tránh tâm lý tích trữ, đồng thời, nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của Nhân dân, chỉ lựa chọn mua và sử dụng các sản phẩm, thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh đã được cơ quan y tế cấp phép sản xuất, lưu thông.
Sở Y tế Thanh Hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh và diễn biến cung - cầu, giá bán các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ điều trị COVID-19, nhất là nhóm các mặt hàng khẩu trang, kit test nhanh COVID - 19, thiết bị đo nồng độ ôxy, các thuốc hỗ trợ, điều trị COVID - 19... tại các cơ sở kinh doanh thuốc và vật tư y tế; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi đầu cơ trục lợi, găm hàng, loạn giá, tăng giá bán bất hợp lý và bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được phép lưu thông.
Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, tuyên truyền, thành lập đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID - 19 (nếu xét thấy cần thiết), đảm bảo giữ ổn định tình hình thị trường tại địa bàn quản lý; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (qua Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) những diễn biến bất thường, phức tạp để được chỉ đạo, xử lý.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899