Thanh Hóa: Nhiều sở ngành, địa phương giải ngân đầu tư công dưới 10%

21/04/2020, 22:27

TCDN - Công tác đầu tư công năm 2020 của Thanh Hóa còn không ít hạn chế, vướng mắc như tỷ lệ giải ngân chậm, phân bổ và giao kế hoạch vốn còn vướng, giải phóng mặt bằng chậm, năng lực của nhà thầu và chủ đầu tư còn hạn chế...

Sáng 21/4, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban với UBND các huyện, thị xã, thành phố về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 4 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công năm 2020 trên địa bàn tỉnh này.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện kế hoạch đầu tư công 4 tháng đầu năm 2020 đã có những kết quả tích cực, đó là: Công tác giao kế hoạch của tỉnh được thực hiện kịp thời và khẩn trương ngay sau khi có thông báo vốn của Trung ương. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng được tăng cường; việc quản lý, sử dụng vốn được các chủ đầu tư quan tâm thực hiện, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) được các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của các chương trình, dự án cao hơn so với cùng kỳ và đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố về giải ngân...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư công năm 2020 còn những hạn chế, vướng mắc như: Tỷ lệ giải ngân chậm, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020; GPMB chậm; Năng lực của nhà thầu và chủ đầu tư; Thủ tục đầu tư vẫn còn bất cập...

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, có tác động đến tăng trưởng kinh tế và đời sống của người dân. Những tháng đầu năm, việc thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến.

Tuy nhiên, bên cạnh đó một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, như: Sở Công Thương 4,2%, Sở Y tế 4,7%, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 5%, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các Công trình nông nhiệp và Phát triển nông thôn 6%, UBND huyện Tĩnh Gia 1,4 %, UBND huyện Vĩnh Lộc 12,3%... Đồng thời, việc triển khai các dự án đầu tư công còn nhiều yếu kém. Nguyên nhân chủ yếu do năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư chưa cao; GPMB của nhiều địa phương chậm.

Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Huy Triều phát biểu tại điểm cầu thành phố.

Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Huy Triều phát biểu tại điểm cầu thành phố.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các chủ đầu tư, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Đối với các dự án cải tạo, nâng cấp hồ đập trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo không tăng tổng giá bồi thường GPMB đã xây dựng kế hoạch và tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức giao ban hàng tháng đối với các dự án đã được phân công về tiến độ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện quyết toán các dự án đã hoàn thành, nhất là các chủ đầu tư có các dự án vốn đầu tư lớn phải làm việc cụ thể với nhà thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để báo cáo UBND tỉnh năng lực của các nhà thầu; Sở Xây dựng đánh giá năng lực của các đơn vị tư vấn và có giải pháp để nâng cao năng lực.

Đồng thời thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư giảm 30% về thời gian thực hiện thủ tục hành chính có liên quan đến các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Hoài An
Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Nhiều sở ngành, địa phương giải ngân đầu tư công dưới 10% tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan