Thanh Hóa: Tích cực tái đàn, chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát
TCDN - Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế, dập tắt ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh Thanh Hóa là 1,2 triệu con, đạt 100% so với trước khi dịch xuất hiện, trong đó, đến tháng 10/2020 tăng thêm 368.450 con.
Tăng hơn 368.000 con
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 1.124 xã thuộc 274 huyện của 49 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 55.312 con lợn, với tổng trọng lượng trên 2.700 tấn.
Hiện tại cả nước có 290 xã thuộc 94 huyện của 28 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, trong đó có 4 tỉnh giáp ranh với Thanh Hóa là Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình và Nghệ An. Cùng với đó, tình hình thời tiết mưa nhiều, lũ kéo dài và mầm bệnh đã có sẵn trong môi trường khiến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, tái phát và lây lan ra diện rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là rất cao. Trong khi, chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, trái phép, chưa đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học.
Chỉ tính riêng trong tháng 10/2020 (đến ngày 21/10/2020), bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 148 xã của 20 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh phải tiêu hủy trong tháng là 12.081 con.
Chính vì vậy, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua được các cấp, các ngành chủ động, tích cực vào cuộc và tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm khống chế, dập tắt ổ dịch.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, sau hơn 7 tháng dịch tả lợn châu Phi được khống chế, tổng đàn lợn toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 1,2 triệu con (100% so với trước khi dịch xuất hiện). Trong đó, đến tháng 10/2020 tăng thêm 368.450 con (lợn nái, đực giống được tái đàn, tăng đàn, thay đàn là 40.450 con, lợn thịt 328.000 con). Ngoài ra, sản lượng lợn thịt hơi ước đạt 120 nghìn tấn.
Hiện tỉnh Thanh Hóa có 56 trang trại có quy mô chăn nuôi trang trại lớn, 337 trang trại quy mô vừa và 759 trang trại có quy mô nhỏ (chăn nuôi trang trại chiếm 37% tổng đàn lợn). Trong đó đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao đang được thay thế dần mô hình chăn nuôi hộ gia đình.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
Để kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công điện khẩn về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát, lây lan trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy định. Cụ thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nhất là các biện pháp vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh.
Chủ tịch UBND đề nghị, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cấp huyện, cấp xã để tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi với phương châm “chống dịch như chống giặc”.
Bên cạnh việc tăng cường lực lượng giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản để phát hiện sớm các ổ dịch, bao vây dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp, không để dịch lây lan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm chế độ báo cáo đột xuất khi có dịch và báo cáo định kỳ. Trước 15 giờ hàng ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ phải báo cáo về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch, công tác quản lý tái đàn lợn trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tập trung chỉ đạo, tổ chức quản lý chặt chẽ công tác tái đàn, tăng đàn lợn, công tác nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng; công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là giải pháp thiết thực nhất, hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, hướng dẫn về việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, các điều kiện để thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn, vệ sinh phòng bệnh theo quy định.
Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, đặc biệt là các điều kiện để tái đàn, tăng đàn, chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát vận chuyển lợn giống vào địa bàn tỉnh
Thành lập các đoàn công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, báo cáo kết quả thực hiện với Chủ tịch UBND tỉnh.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi mới xảy ra, không để lây lan diện rộng.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu, cân đối nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh theo quy định. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây lan từ động vật sang người tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương được giao phụ trách chỉ đạo; kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh và đề xuất biện pháp khắc phục, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899