Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao

14/06/2021, 15:49

TCDN - Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Tính đến hết tháng 4/2021, giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020...

Ngày 14/6/2021 Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), báo Tuổi trẻ Tp.HCM công bố chương trình Ngày không tiền mặt 2021.

Chuỗi sự kiện của Ngày không tiền mặt năm 2021 tiếp tục góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Đề án của Chính phủ (Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2016-2020; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công); đồng thời triển khai Quyết định số 810/QĐ-NHNN của NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thông qua các chương trình, chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt sẽ tạo cơ hội cho người dân trên cả nước, đặc biệt là giới trẻ, công nhân, người thu nhập trung bình thấp được trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang bùng nổ hiện nay.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang bùng nổ hiện nay.

Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 song hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 4/2021 có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động; toàn thị trường hiện có khoảng hơn 271 nghìn POS và hơn 19 nghìn ATM.

Tính đến cuối tháng 4/2021 giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được NHNN và các TCTD triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), để thúc đẩy TTKDTM, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động thanh toán, trong đó, tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về TTKDTM và tổ chức triển khai; xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; Trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 và phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án; Phối hợp các Bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money).

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục chỉ đạo nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, mở rộng phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam theo hướng mở rộng sản phẩm dịch vụ và mở rộng kết nối các ngân hàng, trung gian thanh toán các đơn vị cung cấp dịch vụ...

Đối với hoạt động truyền thông, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông chia sẻ, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai truyền thông giáo dục tài chính với nhiều hình thức sáng tạo, đổi mới và hiện đại. Theo đó, đối tượng mục tiêu của truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới là giới trẻ, đồng bào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người ít có điều kiện tiếp cận thông tin tài chính ngân hàng, các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Mục tiêu mà NHNN hướng tới khi triền khai truyền thông giáo dục tài chính là: Mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính của người dân, bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro không đáng có khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng – tài chính, hạn chế việc người dân phải tìm đến các kênh cung ứng dịch vụ tài chính phi chính thức, nhằm hạn chế tín dụng đen, thúc đẩy TTKDTM, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

T. Phương
Bạn đang đọc bài viết Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng cao tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thanh toán không dùng tiền mặt: Doanh nghiệp vẫn chờ pháp lý
Dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), song hoạt động này chưa có nhiều tiến triển do vẫn còn một số khoảng trống về pháp lý và cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện. Trong khi đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đầu tư cầm chừng và chờ đợi.