Thanh tra Chính phủ: Sai phạm của Bộ Công Thương khiến EVN "gánh" hơn 1.400 tỷ đồng

26/12/2023, 09:53
báo nói -

TCDN - Với trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm thuộc về Bộ Công Thương với vai trò chủ trì tham mưu, Thanh tra Chính phủ đề nghị bộ này chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế khi để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) "gánh" hơn 1.400 tỷ đồng đã mua điện không đúng đối tượng.

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch điện 7 và điện 7 điều chỉnh.

095701445-16911243611951206645725

Về những vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu ban hành Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ Công Thương có khuyết điểm, vi phạm khi tham mưu cơ chế khuyến khích dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận sau khi Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, dẫn tới 14 dự án được hưởng giá FIT ưu đãi 9,35 cent/kWh trong 20 năm không đúng quy định.

Hệ luỵ là từ năm 2020 đến ngày 30/6/2022, tổng số tiền mà EVN phải thanh toán nhiều hơn khoảng 1.481 tỷ đồng so với việc thanh toán theo đúng đối tượng tại Nghị quyết số 115.

"Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương với vai trò chủ trì tham mưu" - kết luận thanh tra khẳng định.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Bộ Công Thương còn tham mưu điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giá FIT 7,09 UScent/kWh tại khoản 1, Điều 5, Quyết định 13 không đúng với kết luận của Thường trực Chính phủ.

Đến thời điểm thanh tra (tháng 6/2022), Bộ Công Thương chưa tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế mua bán điện để áp dụng thực hiện trên toàn quốc kể từ ngày 1/1/2021 sau khi giá FIT theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực áp dụng theo nhiệm vụ được giao.

Kết luận thanh tra cho rằng, trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công Thương với vai trò chủ trì tham mưu.

Đối với việc tham mưu điều kiện để các dự án điện mặt trời nối lưới được áp dụng giả FIT 7,09 UScent/kWh, ngoài trách nhiệm chính của Bộ Công Thương còn có trách nhiệm của các bộ, cơ quan liên quan (Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ và EVN) do đã đồng thuận với phương án đề xuất của Bộ Công Thương.

tap-doan-evn

Với 14 dự án đang được hưởng giá FIT không đúng nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chủ trì đề xuất giải pháp xử lý về kinh tế khi để EVN "gánh" hơn 1.400 tỷ đồng đã mua điện không đúng đối tượng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện các dự án điện mặt trời, điện gió đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và hưởng giá FIT khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư. Điều này cũng khiến tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với EVN rà soát, xử lý. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định.

Thành Nam
Bạn đang đọc bài viết Thanh tra Chính phủ: Sai phạm của Bộ Công Thương khiến EVN "gánh" hơn 1.400 tỷ đồng tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan