Thí điểm cơ chế giao dịch tín chỉ các-bon tại Tp.HCM: Doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh nếu "chậm chân"

28/06/2023, 20:28
báo nói -

TCDN - Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM mới được Quốc hội thông qua ngày 24/6 có điều khoản Tp.HCM sẽ được thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, bắt đầu từ ngày 1/8/2023.

Cụ thể, việc thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon được quy định như sau: 

Tín chỉ các-bon hình thành từ các chương trình, dự án theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đầu tư từ nguồn vốn của ngân sách Tp.HCM được giao dịch với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Ủy ban nhân dân Thành phố phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn Thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ các-bon.

Ủy ban nhân dân Tp.HCM ban hành trình tự, thủ tục và quyết định lựa chọn nhà đầu tư. Nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon là nguồn thu ngân sách Thành phố được hưởng 100%; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.

Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định sử dụng nguồn thu từ giao dịch tín chỉ các-bon cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố.

Việc áp dụng khoa học công nghệ biến xà bần và chất thải công nghiệp thành gạch khoa học công nghệ, giảm rất nhiều chi phí vận chuyển và thải CO2, tạo sản phẩm thân thiện với môi trường.

Việc áp dụng khoa học công nghệ biến xà bần và chất thải công nghiệp thành gạch khoa học công nghệ, giảm rất nhiều chi phí vận chuyển và thải CO2, tạo sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Tại Việt Nam, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Căn cứ Khoản 5 Điều 3 Nghị định 06/2022/NĐ-CP thì cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon là các cơ chế thực hiện việc đăng ký, triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tạo tín chỉ các-bon theo các phương pháp được quốc tế hoặc Việt Nam công nhận. Tín chỉ các-bon từ các chương trình, dự án được trao đổi trên thị trường các-bon hoặc bù cho lượng phát thải khí nhà kính vượt quá hạn ngạch được phân bổ.  

Để giảm thiểu mức phát thải ròng, Ủy ban nhân dân Tp.HCM còn triển khai một số biện pháp như sử dụng các mái nhà đảm bảo điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở. Phần điện còn thừa do không sử dụng hết thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực. 

Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức thực hiện việc lắp đặt, quản lý hệ thống điện mặt trời bảo đảm các yếu tố phù hợp về mỹ quan, kiến trúc và các quy định của pháp luật về môi trường. 

Ngoài biện pháp giảm khí thải nhà kính, hiện nay có nhiều công trình nghiên cứu tái tạo nguồn thải thành những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường. 

Ông Mai Quốc Ấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần gạch khoa học công nghệ SafeBrick Saigon cho hay: “Thí điểm giao dịch tín chỉ các-bon sẽ làm thay đổi môi trường Tp.HCM theo hướng tăng trưởng xanh, tạo một nền kinh tế bền vững, hạn chế khí thải. Chiến lược này sẽ thúc đẩy thị trường giao dịch, trao đổi mua bán tín chỉ các-bon và tăng kết quả giảm phát thải, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Chúng tôi áp dụng khoa học công nghệ biến xà bần và chất thải công nghiệp thành gạch khoa học công nghệ, giảm rất nhiều chi phí vận chuyển từ Bình Dương, Đồng Nai lên Tp.HCM. Điều này giúp gạch giảm giá được 20%, giảm phát thải CO2 cho chủ đầu tư bất động sản và nhà thầu xây dựng, tạo sản thân thiện với môi trường hơn những phương thức xử lý rác thải hiện nay”. 

Cũng theo nhiều chuyên gia, việc giảm phát thải CO2 tiến tới trung hòa các-bon nằm trong Chiến lược bảo vệ môi trường và Chiến lược quốc gia mà Việt Nam đã công bố. Các doanh nghiệp chậm tìm hiểu, thay đổi công nghệ sẽ bị tính mức thuế phí môi trường trên sản phẩm tương ứng mức CO2 thải ra. Nên doanh nghiệp nào càng ít quan tâm đến môi trường thì doanh nghiệp đó sẽ càng khó cạnh tranh do giá sản phẩm sẽ tăng lên bởi cộng thêm thuế phí phát thải CO2 tương ứng. 

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Thí điểm cơ chế giao dịch tín chỉ các-bon tại Tp.HCM: Doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh nếu "chậm chân" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan