Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành chính thức vào năm 2023

12/01/2021, 16:18

TCDN - Tại tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra sáng nay 12/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, để giảm bớt sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu sơ cấp nước ngoài. Tập trung bảo đảm vững chắc an ninh cung ứng điện; cung cấp đầy đủ điện năng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

EVN cũng cần đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện đồng bộ theo quy hoạch và kế hoạch được duyệt. Tập trung tháo gỡ các khó khăn của các dự án chậm tiến độ, kể cả các dự án của EVN, Tập đoàn Than - Khoáng sản, đầu tư tư nhân, nước ngoài. Riêng các dự án chủ đầu tư bỏ dở, dừng đầu tư thì xem xét chuyển đổi chủ đầu tư để tiếp tục thực hiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị EVN.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị EVN.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Phát triển nguồn điện mới đi đôi với đầu tư chiều sâu, sử dụng công nghệ hiện đại; nghiên cứu đổi mới công nghệ các nhà máy điện đang vận hành, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường. Nghiên cứu để có công cụ tích điện, đặc biệt với năng lượng tái tạo”.

EVN cần phối hợp với Bộ Công Thương để có cơ chế phù hợp đảm bảo khuyến khích người dân phát triển các hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ cho tiêu dùng và sản xuất, đảm bảo công bằng, hài hoà. Thời gian vừa qua quản lý lúng túng, nên bị phát triển theo phong trào…, cần nghiên cứu từng bước, không được để xuất hiện trục lợi chính sách mà không quản lý được.

Đặc biệt Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 là thực hiện thị trường hóa giá điện nhằm đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hoà giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành điện. Đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.

Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 17.430MW (tăng 11.780MW so với năm 2019) và chiếm tỷ trọng 25,3%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 23 thế giới.

Trong năm 2020, các Tổng công ty điện lực đã hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai Dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đáp ứng nhu cầu điện phục vụ đời sống của cán bộ chiến sỹ và nhân dân trên huyện đảo…

Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của EVN đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đồng thời, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp về kỹ thuật, về tài chính, đảm bảo Công ty mẹ và các đơn vị đều có lãi (lợi nhuận công ty Mẹ ước đạt 1.527 tỷ, vượt kế hoạch. Nộp ngân sách 27.800 tỷ đồng). Chỉ tiêu tổn thất điện năng ước đạt 6,42% vượt chỉ tiêu đề ra (6,5%), đứng thứ 3 khu vực ASEAN và đã tiệm cận với tổn thất điện năng của các nước phát triển.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành chính thức vào năm 2023 tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng yêu cầu EVN không tăng giá điện
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện giữ ổn định giá điện, không thực hiện điều chỉnh tăng giá điện.