Thị trường nhà ở, nhà cho thuê trầm lắng ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP

28/08/2023, 16:12
báo nói -

TCDN - Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê trong thời gian qua là một nguyên nhân quan trọng khiến tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, lượng tồn kho bất động sản trong quý 2 năm 2023 dao động khoảng 16.688 căn, bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền (chung cư 1.714 căn, nhà ở riêng lẻ 7.473 căn, đất nền là 7.501 nền).

Theo Bộ Xây dựng, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 20% tổng dư nợ tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng và ngược lại.

Theo bà Giang, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung; trong đó dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng trưởng (17,41%) vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản xuất hiện xu hướng giảm trong 03 năm gần đây, cuối năm 2022 tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%.

Bà Giang khẳng định, nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu về mua nhà ở chưa phải là nhu cầu được khách hàng ưu tiên trong thời điểm hiện tại; cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư 6 thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, vấn đề đối với ngành bất động sản có lẽ còn nhiều hơn thế từ góc độ tăng trưởng. Trên thực tế thì ngành bất động sản, cụ thể là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê và dịch vụ nhà là một cầu phần rất đáng kể trong khoản mục tiêu dùng trong nước và trong tổng cầu.

“Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê trong thời gian qua là một nguyên nhân quan trọng khiến tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, tiềm năng cầu đối với nhà ở và khả năng chi tiêu cho nhà ở, nhà cho thuê là có thực, có quy mô lớn và là cầu có khả năng chi trả và người dân sẵn lòng chi trả. Tuy nhiên, nó đã không được hiện thực hoá để đóng góp vào tổng cầu của nền kinh tế trong năm 2023.

Lý do lớn nhất là nguồn cung nhà ở cho những người có nhu cầu thực hiện đang rất khan hiếm. Trong khi đó, cung của các sản phẩm bất động sản cao cấp hay nghỉ dưỡng lại đang dư thừa. Đây là hiện tượng được các hiệp hội bất động sản hay hiệp hội môi giới bất động sản ở cả Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng nghi nhận.

"Sự lệch pha này khiến nền kinh tế bỏ lỡ việc đáp ứng một lượng cầu có thực, có khả năng chi trả và từ đó bỏ lỡ cơ hội đáng kể đóng góp về điểm phần trăm cho tăng trưởng trong thời gian vừa qua. Phát triển bền vững thị trường nhà ở, nhà cho thuê và dịch vụ nhà do vậy rõ ràng cần được khẳng định một cách rõ ràng hơn do ý nghĩa đóng góp của nó đối với tổng cầu của nền kinh tế không chỉ trong trước mắt và trong trung và dài hạn", TS Lê Duy Bình chia sẻ.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Thị trường nhà ở, nhà cho thuê trầm lắng ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản lần đầu giảm
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đã tăng trưởng (17,41%) nhưng dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chiếm đến 65% dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12% - là năm đầu tiên xuất hiện xu hướng giảm trong 3 năm gần đây, cuối năm 2022 tăng 31,01%.