Thúc đẩy tăng trưởng: Trường Đại học kinh tế quốc dân đề xuất tăng chi tiêu công và giảm thuế
TCDN - Theo các nhà nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tăng chi tiêu công và giảm thuế là hai công cụ giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng ổn định của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, hai quý đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trong nước có nhiều diễn biến không thuận lợi. GDP 6 tháng đầu năm tăng trưởng 3,72%, mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020, do ảnh hưởng mạnh của COVID-19 thời điểm đó). Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc. Trong đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, chỉ tương đương 33% kế hoạch năm. Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ có thể xem xét đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ nhằm thúc đẩy tổng cầu và đạt được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh suy thoái, đặc biệt khi ngân sách không quá căng thẳng và nợ công có xuhướng giảm.
Tổng thu ngân sách Nhà nước lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% so với dự toán toán năm, thặng dư hơn hơn 70 nghìn tỷ đồng. Một sốkhoản thu sắc thuế chính vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định khi thu từ ba khu vực kinh tế ước đạt 54,7%, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu từ khu vực doanhnghiệp nhà nước đạt gần 98 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 119,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8%; thu từ khu vực ngoài nhà nước tương đương cùng năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ công của Việt Nam trong những năm nay giảm dần, từ 61,4% GDP năm 2017 xuống 58,3% năm 2018, 55,9% năm 2020, 43,1% năm 2021 và 38% năm 2022. Như vậy, thặng dư ngân sách và tỷ lệ nợ công giảm là những cơ sở quan trọng để đẩy mạnh chính sách tài khóa nghịch chu kỳ.
Từ những phân tích trên, Trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị, mục tiêu đạt được tăng trưởng ổn định của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ được thực hiện qua hai công cụ: (1) Tăng chi tiêu công, (2) Giảm thuế.
Theo đó, Chính phủ cần tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm mang lại hiệu quả kịp thời.
Đối với việc giảm thuế, cần áp dụng đúng đối tượng, đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế. Các quy định về thuế đối với từng nhóm đối tượng cần nhất quán, tránh mâu thuẫn như giảm thuế GTGT nhưng tăng thuế TTĐB.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, ngoài kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh chính sách tài khóa chu kỳ nghịch nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế ổn định, Trường còn đề xuất 6 kiến nghị khác. Cụ thể là: Tháo gỡ vướng mắc khi giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế; Cải thiện chính sách an sinh xã hội cho người nghèo hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm; Giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững; Phát triển du lịch hướng tới cân đối cán cân xuất-nhập khẩu dịch vụ; Phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác; Cần có các chính sách tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng. Những kiến nghị này dựa trên kết quả của Tọa đàm “Phục hồi tổng cầu nền kinh tế trong điều kiện mới” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp cùng Vneconomy tổ chức hồi tháng 7/2023.
Xem chi tiết các kiến nghị của Trường Đại học Kinh tế quốc dân tại đây.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899