Đại học Kinh tế quốc dân công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021

25/04/2022, 15:10

TCDN - Ngày 25/4, Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022: “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021”.

Đây là hoạt động thường niên được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hàng năm.

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại họp báo trước hội thảo

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại họp báo trước hội thảo

GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đồng chủ biên ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 nhấn mạnh, năm 2021 chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa từng có của nền kinh tế. Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn với tốc độ lây lan rất nhanh do chủng mới Delta, Omicron. Số ca lây nhiễm và tử vong đều tăng cao và diễn biến hết sức phức tạp ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhiều tỉnh thành phố lớn phải giãn cách xã hội trong bối cảnh tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp. Diễn biến này đã ảnh hưởng lớn đến về sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội.

Về phía cầu, do đại dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng khiến thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm sút mạnh. Trong khi đó, một động lực quan trọng cho hỗ trợ tăng trưởng là đầu tư công thì chưa tạo được đột phá.

Về phía cung, sản xuất của các ngành quan trọng bị ảnh hưởng lớn như vận tải, kho bãi; du lịch lưu trú ăn uống; giáo dục đào tạo; ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ... do nhu cầu giảm mạnh và gia tăng chi phí sản xuất. Những biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan và thiếu nhất quán giữa các địa phương cũng ảnh hưởng lớn lến chi phí vận chuyển, logistics cũng như làm đứt gẫy chuỗi cung ứng cho các doanh nhiệp...

Trong khi đó, rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính đang gia tăng. Lạm phát kỳ vọng gia tăng do yếu tố chi phí đẩy và chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài. Dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp hơn, thu ngân sách có thể khó khăn khi kinh tế suy giảm và thị trường tài sản điều chỉnh mạnh, trong khi chi ngân sách cho các gói kích thích kinh tế gia tăng.

Bên cạnh đó, tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều so với năm trước (chưa kể phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm) nhưng tăng trưởng kinh tế đạt thấp nhất trong vòng hai thập kỷ gần đây. Điều này đặt ra nghi vấn về đích đến cuối cùng và/hoặc hiệu quả của dòng tiền/tín dụng trong nền kinh tế. Tín dụng, bằng các cách khác nhau, có thể không trực tiếp đi vào sản xuất mà trực tiếp hoặc gián tiếp đi vào thị trường tài sản, nguy cơ bong bóng tài sản là hiện hữu. Dấu hiệu trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5.

Ngân hàng nhà nước cũng đã nới lỏng một số quy định an toàn hệ thống để hỗ trợ hệ thống và nền kinh tế ứng phó với đại dịch. Sau một thời gian dài có xu hưởng giảm thì nợ xấu đã tăng trở lại. Những khó khăn của khu vực kinh tế thực cuối cùng có thể sẽ lây nhiễm sang khu vực tài chính. Những rủi ro bất ổn và thiếu lành mạnh đã xuất hiện trên các thị trường chứng khoán (thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp) và thị trường bất động sản.

PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng chủ biên ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021

PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đồng chủ biên ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021

Như vậy, kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn. Vì vậy, đánh giá tổng quan kinh tế cũng như nhận diện các rủi ro bất ổn là cơ sở quan trọng để đưa ra được các khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Xem nội dung ấn phẩm tại đây.

PV
Bạn đang đọc bài viết Đại học Kinh tế quốc dân công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 tại chuyên mục Tài liệu tham khảo của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,2%
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng nếu dịch bệnh được khống chế trong tháng 8, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất, kinh tế ở mức bình thường thì tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt 6,2%.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh Covid-19
Tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng từ tháng 1/2020 khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sụt giảm nghiêm trọng, mặc dù nếu so sánh với các nước trên thế giới có mức tăng trưởng âm thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá cao.