Thoái vốn và CPH DNNN: Có tiếp tục lùi?

09/03/2020, 13:39

TCDN - Do tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thoái vốn và cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đang ở mức thấp, nên áp lực về khối lượng công việc năm 2020 sẽ rất lớn. Đây là lý do khiến giới đầu tư kỳ vọng về những thương vụ thoái vốn và CPH của các DNNN lớn, nhưng liệu có diễn ra suôn sẻ trong năm 2020?

TKV là một trong những tập đoàn lớn ì ạch trong việc CPH, thoái vốn.

TKV là một trong những tập đoàn lớn ì ạch trong việc CPH, thoái vốn.

Nhiều ông lớn vẫn án binh bất động

Theo Bộ Tài chính, quá trình thoái vốn và CPH DNNN diễn ra chậm chạp trong suốt cả năm 2019. Cụ thể, trong năm 2019 chỉ có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, trong đó có 3 DN thuộc danh mục các DN được CPH theo Công văn 991/TTg-ĐMDN và 1 DN theo Quyết định 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Như vậy, tính từ năm 2017 tới nay, mới chỉ thực hiện được khoảng 28% kế hoạch CPH, tức vẫn còn 92 DN phải CPH trước năm 2021.

Về hoạt động thoái vốn, trong năm 2019 chỉ có 13 DN thực hiện thoái vốn thu về 1.839 tỷ đồng theo Quyết định 1232/QĐ-TTg. Lũy kế từ năm 2017 tới nay, số lượng DN thoái vốn chỉ đạt 8% kế hoạch đề ra.

Đáng chú ý, nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH, trong đó có 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM chiếm tới 54% số DN trong danh mục, nhưng suốt thời gian qua vẫn “án binh bất động”.

Cụ thể, Hà Nội còn phải CPH 13 DN, trong đó có 4 tổng công ty (TCT); TPHCM còn 38 DN chưa CPH (11 TCT). Bên cạnh 2 địa phương này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước còn 6 DN chưa CPH gồm 3 tập đoàn (TĐ) và 3 TCT, Bộ Công Thương còn 4 DN chưa CPH (3 TCT), Bộ Xây dựng 2 TCT chưa CPH.

Trong danh sách các DN cần CPH và thoái vốn như trên có một số công ty, TCT và TĐ lớn. Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đề xuất thoái 15% tại TCT Hàng không Việt Nam (HVN) trong giai đoạn 2019-2020, đồng thời thực hiện tăng vốn trong giai đoạn 2019-2025 để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%.

Ngoài ra, một số công ty lớn CPH các năm trước như TCT Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), TCT Dầu Việt Nam (PV Oil) và TCT Điện lực dầu khí Việt Nam (PW Power), cũng có thể tiếp tục thoái vốn trong năm 2020 sau khi thực hiện xong quyết toán sau CPH. Về công tác CPH, TCT Phát điện 1 (Genco1) đang lựa chọn thời điểm phù hợp để xác định giá trị DN, trong khi TCT Phát điện 2 (Genco2) đã phê duyệt hồ sơ tư vấn từ các nhà thầu.

Nhiều vướng mắc

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), mặc dù đã được nhắc nhở, đôn đốc nhưng tiến độ CPH các DNNN tiếp tục chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Việc chậm CPH còn do những DN lớn, nhiều tài sản như Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), TĐ Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), nên việc CPH không thể nhanh như các DN nhỏ, do phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản.

Đặc biệt, vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định, dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Giải thích về nguyên nhân chậm trễ CPH các DNNN trên địa bàn, ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng vướng mắc của TP chính là hướng dẫn về quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các DN.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, cho biết có rất nhiều văn bản, nghị định hướng dẫn CPH nhưng chỉ hướng dẫn cho phần đất của nông lâm trường. Trong khi đó, Hà Nội là đô thị, đụng đến chỗ nào cũng là đất vàng, dễ bị dư luận lên án. Vì thế, khi thực hiện CPH chính quyền TP sẽ cùng DN trên địa bàn đưa ra phương án, công khai, minh bạch mới giải quyết được.

Tại cuộc họp báo tổng kết kết quả tái cơ cấu, CPH DNNN năm 2019, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận bên cạnh một số nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là một số bộ, ngành, địa phương và bản thân DNNN chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.

Sửa điểm nghẽn

Đối với các DN đã CPH và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần phải thực hiện quyết toán CPH theo quy định. Trường hợp không đảm bảo thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Trước thực trạng trên, sau khi tiếp thu các ý kiến từ các bên liên quan, Bộ Tài chính đã tiến hành sửa đổi các điểm nghẽn trong 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP và 32/2018/NĐ-CP và đã gửi lên Chính phủ. Trong trường hợp tích cực, dự thảo có thể được ban hành và có hiệu lực ngay trong quý I, kỳ vọng hoạt động thoái vốn và CPH sẽ diễn ra sôi động trong năm 2020.

Đơn cử, bãi bỏ nội dung tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định 126, đồng thời bổ sung thêm quy định hướng dẫn. Hiện Nghị định 126 chưa quy định cụ thể về đối tượng, trình tự và thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất sau CPH. Cũng theo quy định của Nghị định 126, giá thanh toán không được thấp hơn giá sàn tại ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn. Dự thảo sẽ bãi bỏ nội dung này và bổ sung quy định mức giá khởi điểm.

Với Nghị định 32, quy định khi xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn cần bao gồm giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có) theo quy định của pháp luật. Dự thảo sẽ bãi bỏ nội dung bao gồm các giá trị văn hóa, lịch sử khác, nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có).

Ngoài ra, quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH, đã kéo dài thời gian thực hiện CPH. Do vậy, các DNNN thuộc diện CPH khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Từ đó trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất, để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH theo đúng quy định.

Theo SGĐT

Bạn đang đọc bài viết Thoái vốn và CPH DNNN: Có tiếp tục lùi? tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Quý 1/2020 sẽ có Nghị định mới về cổ phần hóa
Để tiến trình cổ phần hóa đúng theo tiến độ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2007 hướng dẫn cổ phần hóa doanh nghiệp để xử lý những vướng mắc về đất đai cho các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.