Thống đốc: Không có quy định cấm cho vay bất động sản

11/11/2024, 13:51
báo nói -

TCDN - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ngày 11/11 cho biết, 80% tiền gửi ở Việt Nam là ngắn hạn nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản cũng cần đảm bảo nguyên tắc để người dân rút tiền. Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm không cho vay bất động sản.

Liên quan đến vấn đề cho vay bất động sản, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), đặt câu hỏi Ngân hàng Nhà nước có giải pháp như nào để kiểm soát sự gia tăng rủi ro trong hệ thống từ các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn và giải pháp xử lý các vấn đề về nguy cơ bong bóng trong lĩnh vực bất động sản và thị trường tài chính?

Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai), so với thị trường bất động sản Trung Quốc thì dự nợ tín dụng bất động sản Việt Nam mới chiếm tỉ lệ là 20%, Trung Quốc có thời điểm cao hơn là 30%. Như vậy, vẫn còn dư địa cho vay bất động sản ở Việt Nam hiện nay. Đại biểu đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết quan điểm về vấn đề này?

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói, dư nợ tín dụng đối với bất động sản khoảng 20-21% tổng dư nợ của nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỷ lệ là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng, tùy thuộc vào nguồn vốn của họ huy động.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Theo bà Hồng, 80% tiền gửi ở Việt Nam là ngắn hạn nên khả năng cho vay tiếp tục của thị trường bất động sản cũng cần đảm bảo nguyên tắc để người dân rút tiền; Ngân hàng Nhà nước không có quy định cấm không cho vay bất động sản.

Trong khi đó, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết sẽ xử lý như nào tình trạng chạy xô tăng trưởng của một số tổ chức tín dụng? Đồng thời cho biết có giải pháp như nào để hạn chế rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản?

Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện hai chức năng là điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối, nhưng có một chức năng nữa đó là quản lý nhà nước đối với hoạt động tiền tệ ngân hàng. 

Vì vậy, mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong đó an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng là vấn đề cần phải đặt lên trên hết, trước hết. Bởi, nếu hệ thống các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro, có hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế, bởi tác động lan truyền của nó. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào diễn biến thực tế; và trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định phải sử dụng công cụ là room tín dụng để hạn mức tín dụng. 

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam có đặc thù là vốn dựa vào hệ thống ngân hàng rất nhiều, nên đã có giai đoạn tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống bình quân trên 30%; có những năm tăng lên đến hơn 50%, dẫn đến hệ lụy và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng hạn mức tín dụng để điều hành; khi phân bổ và thông báo hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đều phải đánh giá trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng, cũng như khả năng mở rộng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên giám sát và cảnh báo những tổ chức tín dụng tăng trưởng cao và tiềm ẩn rủi ro.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay đang mất cân đối cung - cầu về các phân khúc, nhất là đối với phân khúc người thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 33 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp cận nguồn vốn vay mới.

Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm và miễn lãi các dự án, trong đó có các dự án bất động sản. Liên quan đến các thông tư cho vay của Chính phủ hiện đã dừng và chưa thực hiện. Còn việc các tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi theo hướng đảm bảo thuận lợi hơn đối với lĩnh vực thị trường bất động sản.

Lê Thị Nga
Bạn đang đọc bài viết Thống đốc: Không có quy định cấm cho vay bất động sản tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ Xây dựng: Giá bất động sản tiếp tục tăng
Tại một số đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM thì giá bất động sản tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4 - 6% theo quý và từ 22 - 25% theo năm. Có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35 - 40% so với quý trước.