Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: "Không may sẵn chính sách cho từng nhà đầu tư"
TCDN - Theo các chuyên gia, để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta phải thiết kế được những gói chính sách may đo chứ không may sẵn để phù hợp với từng nhà đầu tư, không thể làm chung chung đại trà.
Sáng 4/9, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá”.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho hay Việt Nam hiện nay hấp dẫn các nhà đầu tư FDI về nguồn lao động, về các thủ tục hành chính...
Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt thu hút FDI, cơ quan này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Tổ công tác đặc biệt đã làm việc nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án lớn. Đồng thời, qua quá trình làm việc có nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đã đàm phán đặt dự án quy mô lớn từ 500 triệu USD đến cả tỷ USD tại Việt Nam.
Để tăng cường thu hút vốn nước ngoài, theo ông Hoàng cần phải nâng cấp đồng bộ từ doanh nghiệp cho đến đối tác và các chính sách của nhà nước. Ngoài ra cũng cần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
Còn theo chuyên gia kinh tế cấp cao TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cần phải lưu ý không phải tất cả các tỉnh đều có năng lực thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, đầu tư công nghệ mới hiện đại. Các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét, nhìn nhận khả năng của từng địa phương chứ không thể đầu tư đại trà theo quy mô lớn.
Vì vậy, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phải có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư khác nhau. Cụ thể, chúng ta phải thiết kế được những gói chính sách may đo chứ không may sẵn để phù hợp với từng nhà đầu tư, không thể làm chung chung đại trà, có như vậy mới thu hút được nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899