Thu nộp ngân sách 395 tỷ đồng từ xử lý gian lận thương mại

27/08/2024, 16:40
báo nói -

TCDN - 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ gian lận thương mại; tổng số tiền xử lý 674 tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng.

Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ 15/12/2023 đến 22/8/2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý 674 tỷ đồng.

Trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong 8 tháng năm 2024, số hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, lĩnh vực y tế, niêm yết giá, tiêu chuẩn đo lường, nhãn hàng hóa được lực lượng phát hiện giảm so với cùng kỳ năm 2023.

Thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng từ xử lý gian lận thương mại.

Thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng từ xử lý gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, các hành vi về nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt, lĩnh vực thương mại điện tử tăng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm...

Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị Tết Trung thu năm nay, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.

"Năm 2024, Tổng cục tập trung toàn lực lượng trong mặt trận chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử", Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh thông tin.

Trong đó, chú trọng kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng... Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh; góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá vàng trong nước có nhiều biến động, Tổng cục Quản lý thị trường bám sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ địa bàn, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, điển hình như tại Tp.HCM, Quảng Ninh, An Giang, Thanh Hóa, Nghệ An... Qua đó, đã góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý mặt hàng vàng.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Thu nộp ngân sách 395 tỷ đồng từ xử lý gian lận thương mại tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan