Quản lý thị trường xử lý gần 1.500 vụ vi phạm trong tháng 2/2023
TCDN - Theo Tổng cục Quản lý thị trường, từ ngày 15/01/2023 đến 14/02/2023, lực lượng đã kiểm tra 2.224 vụ, phát hiện và xử lý 1.489 vụ vi phạm.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, từ ngày 15/01/2023 đến 14/02/2023, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 2.224 vụ, phát hiện, xử lý 1.489 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 43,7 tỷ đồng.
Cụ thể, trong tháng 02/2023, tình hình thị trường hàng hóa khá sôi động, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Lễ, Tết, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Trong đó, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas,... cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Các cơ sở kinh doanh cơ bản chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Bên cạnh đó, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa ở khu vực biên giới, nhất là tuyến đường biển, đường hàng không vẫn diễn biến phức tạp vào thời điểm các tháng giáp Tết, chủ yếu các mặt hàng như: thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử...
Trước tình hình này, lực lượng chức năng chống buôn lậu ở Trung ương đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý kịp thời nên đã ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng cấm, hàng nhập lậu vận chuyển vào nội địa.
Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguồn cung liên tục, ổn định trong mọi tình huống, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng xăng dầu phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau Tết, không để xảy ra việc gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.
Điển hình, thời gian qua, nhiều vụ việc điển hình do lực lượng Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp xử lý như: Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam liên tiếp xử phạt 2 cơ sở kinh doanh xăng dầu về hành vi ngừng bán hàng mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang phát hiện, tạm giữ gần 10 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phát hiện một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội dùng giấy chứng nhận hết hạn;
Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối tượng kinh doanh 230 điện thoại đã qua sử dụng nhập lậu; Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận tạm giữ trên 19.000 bao thuốc lá không rõ nguồn gốc; Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, tạm giữ hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm tại 2 địa điểm, trị giá gần 02 tỷ đồng;
Cục Quản lý thị trường tỉnh Cần Thơ phát hiện, tạm giữ gần 2 tấn bột giặt có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu "Tide"; chuyển khởi tố vụ việc giả mạo cà phê bột Tuấn Kiệt; Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre đã phát hiện, tiêu hủy 420 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo dự báo tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là vào các tháng cuối năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền; duy trì có hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của cá nhân, doanh nghiệp để kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ; kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899