Thủ tướng: Đến 15/4 mới quyết định có kéo dài cách ly hay không

13/04/2020, 21:00
báo nói -

TCDN - Lãnh đạo Tp.HCM và nhiều địa phương cho rằng cần kéo dài cách ly xã hội đến hết 30/4 bởi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, phải chờ đến 15/4 mới quyết định.

Tại buổi họp trực tuyến với Chính phủ về việc phòng, chống Covid-19 ngày 13/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cho hay sau khi lấy ý kiến ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương và các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, hầu hết đơn vị đều cho rằng cần thiết kéo dài thời gian cách ly xã hội.

Cần tiếp tục hạn chế nhập cảnh

Trong đó, 8 địa phương được lấy ý kiến cho rằng cần thiết kéo dài thời gian cách ly xã hội đến hết tháng 4; 2 địa phương đề nghị kéo dài đến hết tháng 5 và 3 địa phương mong muốn tạm dừng thực hiện cách ly xã hội sau ngày 15/4.

Ông Nguyễn Thanh Long thông tin các bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia đều có ý kiến chung là cần thiết tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội. Căn cứ vào tình hình thực tiễn sau ngày 15/4, Thủ tướng có thể ban hành Chỉ thị mới dựa trên tình hình dịch bệnh và tình hình kinh tế xã hội của từng tỉnh.

Đối với việc hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng cần tiếp tục hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam cho đến ngày 30/4. Việc làm này nhằm hạn chế tới mức thấp nhất việc dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, tránh rủi ro làn sóng dịch bệnh thứ 2 đối với Việt Nam.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia cũng đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tăng cường thanh toán không sử dụng tiền mặt để hạn chế tiếp xúc, lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Thông tin Truyền thông cần đề xuất công cụ làm việc trực tuyến mới và phù hợp đề phục vụ việc giãn cách xã hội.

Toàn thành phố Hà Nội vắng lặng trong những ngày đầu cách ly.

Toàn thành phố Hà Nội vắng lặng trong những ngày đầu cách ly.

Chủ tịch UBND Tp.HCM cũng đề xuất Thủ tướng tiếp tục kéo dài thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đến ngày 30/4. "Những kết quả ban đầu chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Tp.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ", người đứng đầu chính quyền Tp.HCM khẳng định.

Ông Phong đánh giá diễn tiến dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ các nước trên thế giới vẫn còn đang rất cao, đặc biệt là các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn các trường hợp lây nhiễm dịch bệnh từ cộng đồng và tiếp tục lây lan cho nhiều người (như trường hợp bệnh nhân 262 là công nhân của Công ty Samsung tại Bắc Ninh). Thống kê mỗi ngày, hiện mỗi ngày có khoảng 1.000 người từ các tỉnh, thành khác đến thành phố.

Theo ông Phong, một số trường hợp sau thời gian điều trị, đã được xét nghiệm âm tính, cho xuất viện dương tính trở lại, xuất hiện dương tính trở lại, đi các nơi, tạo mối nguy cơ rất cao lây nhiễm trong cộng đồng. Đơn cử như trường hợp ca bệnh nhân số 22 tại Đà Nẵng, điều trị từ ngày 8/3 đến ngày 27/3 đã âm tính, từ Đà Nẵng, đến Tp.HCM để xuất cảnh ngày 11/4 khi được lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất đã có kết quả dương tính.

“Do vậy, những kết quả ban đầu mà chúng ta đã đạt được chưa thể khẳng định một chiến thắng cuối cùng. Chính vì vậy, Tp.HCM sẽ tập trung kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, nhất là làn sóng thứ 2 lây nhiễm”, ông Phong nói.

Thời gian tới, Tp.HCM cũng sẽ tăng cường chấn chỉnh việc lơi lỏng cách ly xã hội, người đứng đầu chính quyền địa phương cần chịu trách nhiệm và đội ngũ cán bộ, công chức viên chức phải nêu gương thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác phòng bệnh sẽ được tăng cường thông qua kiểm tra, giám sát 62 chốt, trạm kiểm dịch trên toàn địa bàn. Công nhân lưu trú tại khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ được xét nghiệm sàng lọc.

Đặc biệt, Tp.HCM sẽ nghiêm khắc yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn cam kết tuân thủ phòng, chống dịch và thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19.

"Ngày 15/4 mới quyết định có kéo dài cách ly hay không"

Kết luận cuộc họp chiều nay, Thủ tướng lưu ý: "Chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơ là mất cảnh giác, thực hiện nghiêm trong thời gian ngắn để không phải thực hiện phong tỏa trong thời gian dài”. 

Theo Thủ tướng, chúng ta nói mục tiêu kép nhưng ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, không vì kinh tế mà coi thường sức khỏe của nhân dân, đấy là nguyên tắc tối thượng trong xử lý công việc.

"Chính vì thế việc tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 trong giai đoạn này rất quan trọng. Tiếp tục thực hiện việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đám đông và một số giải pháp, đặc biệt là các đô thị lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Chỉ thị 16 vẫn tiếp tục có hiệu lực, "nếu chúng ta lơi lỏng dễ vỡ trận, xóa đi những thành quả mà Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, nhân dân đã dày công suốt mấy tháng qua".

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là thành viên BCĐ có một số phương án để ngày 15/4, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các cơ quan xem xét cụ thể, đánh giá mặt phải, mặt trái, đặc biệt là nguy cơ có thể xảy ra nếu chúng ta không thực hiện nghiêm, nghiên cứu vấn đề giãn cách xã hội, cách ly xã hội,

"Đến ngày 15/4, chúng tôi sẽ xem xét cụ thể thời gian cách ly như thế nào. Trước mắt, chúng ta tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ thị 15, 16 trong đó có vấn đề cách ly xã hội, để bảo đảm tính mạng, sức khoẻ của người dân. Các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc để đạt kết quả như mong muốn", Thủ tướng nói.

Bích Thảo
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Đến 15/4 mới quyết định có kéo dài cách ly hay không tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng làm rõ hơn khái niệm 'cách ly toàn xã hội'
Theo người đứng đầu Chính phủ, cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, phong tỏa xã hội… Chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường.