Thủ tướng: Ngành Tài chính phải phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để huy động nguồn lực phát triển
TCDN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025, ngành Tài chính phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để huy động mọi nguồn lực phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 8%...
Hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, Thủ tướng cho biết năm 2025, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức trong khi nhiệm vụ nặng nề hơn, chúng ta vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra; vừa sắp xếp tổ chức bộ máy bảo đảm "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"; tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng; tổ chức tốt các sự kiện kỷ niệm trọng đại của đất nước; chuẩn bị sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2025, ngành tài chính phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để huy động mọi nguồn lực phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, phấn đấu đạt tăng trưởng ít nhất 8%, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; tích cực tăng thu, tiết kiệm chi, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tập trung cho các dự án hạ tầng chiến lược như đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, đường sắt kết nối quốc tế, các dự án năng lượng.
Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, bảo đảm chi cho các nhiệm vụ lớn như quốc phòng, an ninh, đồng thời bảo đảm an ninh tài chính, an ninh tiền tệ quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; tư tưởng phải thông và giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, tạo đồng thuận khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Thủ tướng nhấn mạnh 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ngành Tài chính cần thực hiện trong năm 2025.
Thứ nhất, tập trung cao độ cho công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Trong đó, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hợp nhất, phải quyết liệt triển khai với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-ngân sách nhà nước, chứng khoán, trái phiếu... để huy động nguồn lực phát triển với quan điểm thể chế là đột phá của đột phá, thể chế là nguồn lực, động lực phát triển, nhất là xây dựng, hoàn thiện Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư, đấu thầu…
Thủ tướng lấy ví dụ, có những dự án cần chỉ định thầu đi đôi với yêu cầu bảo đảm chất lượng và tiến độ dự án, đồng thời không đội vốn. Các thủ tục phải được tiến hành nhanh chóng hơn, nếu đấu thầu phải bảo đảm công khai, minh bạch, thực sự hiệu quả, không hình thức.
Thứ ba, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp và bám sát tình hình để phản ứng chính sách kịp thời, chọn việc hiệu quả nhất để làm.
Thứ tư, tập trung làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời,
Thứ năm, quản lý điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng thu, tiết kiệm chi để tập trung cho đầu tư phát triển, cho một số dự án lớn mang tính chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế.
Thứ sáu, tiếp tục củng cố, phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bảo hiểm; tập trung hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025, để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, tạo kênh huy động vốn tốt hơn cho doanh nghiệp. Tính toán, tham mưu việc phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả.
Thứ bảy, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả.
Thứ tám, quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; dứt khoát số hóa việc thu chi ngân sách, triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm chống thất thu thuế.
Thứ chín, chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá diễn biến cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp; tăng cường hợp tác tài chính tại các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, G20...
Ngân sách nhà nươc đóng vai trò là vốn mồi dẫn dắt thu hút các nguồn vốn khác
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng của đất nước, có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức.
Nhận thức vai trò trách nhiệm của Ngành trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, triển khai quyết liệt, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách được giao, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tế, phương châm hành động của Chính phủ, để tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế đất nước.
Trong đó, tập trung hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đối với các dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) và dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một số luật khác sau hợp nhất sát nhập; các nghị quyết theo Chương trình công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản hướng dẫn Luật theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực thuế hải quan, kho bạc nhà nước, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Theo đó, làm tốt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, mở rộng cơ sở thuế, khai thác, đảm bảo thu đúng đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế.
Ngành Tài chính phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ để có thêm nguồn dành cho thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Toàn Ngành tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2025 chặt chẽ, hiệu quả trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, phấn đấu tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên năm 2025 so năm 2024; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết; tăng chi đầu tư phát triển, đảm bảo nguồn lực cho quốc phòng an ninh, chi khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.
Người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, Bộ Tài chính cũng sẽ điều hành hiệu quả chính sách tài khoá, tập trung thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nhà nước cho phát triển kinh tế xã hội. Ngân sách nhà nước đóng vai trò là vốn mồi dẫn dắt thu hút các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển mạnh mẽ, đột phá, bền vững kinh tế xã hội đất nước theo mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững, tăng cường quản lý giá cả; phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, bảo hiểm, nâng hạng thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho hay, thực hiện có hiệu quả sắp xếp tinh gọn bộ máy theo kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sớm đưa bộ máy mới vào hoạt động, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo Bộ trưởng, sau hợp nhất sẽ giảm khoảng trên 2.650 đầu mối, tương đương 31,4%, không duy trì mô hình tổng cục; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899