Thu ngân sách tăng 20%, lập đỉnh mới
TCDN - Thu ngân sách nhà nước cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023; tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 17,8%GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2%GDP, theo Bộ Tài chính.
Thu ngân sách đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng
Chiều 31/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2024, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) ngay từ đầu năm; rà soát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện. Tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng.
Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu NSNN năm 2024) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, quản lý chi NSNN chặt chẽ trong phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương cắt giảm những khoản chi đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ; thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được khoảng 5 nghìn tỷ đồng, báo cáo Quốc hội dành cho nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Thu NSNN cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023 (thu NSTW ước đạt 123,7% dự toán, thu NSĐP ước đạt 114,4% dự toán); tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8%GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2%GDP.
Chi NSNN ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt khoảng 81,9%); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.
Cân đối NSTW, NSĐP các cấp được đảm bảo. Đã thực hiện phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của NSTW và góp phần định hướng lãi suất thị trường.
Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu NSNN khoảng 20-21%. Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp. Cả 3 Tổ chức S&P, Fitch, Moody’s và S&P đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững trong đó, S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Về thị trường chứng khoán, trong năm 2024, thị trường chứng khoán có biến động với các phiên tăng, giảm đan xen, với xu hướng phục hồi so cuối năm trước. Tính đến ngày 27/12/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.275,14 điểm, tăng 12,9% so với cuối năm 2023. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023; giá trị giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước.
Năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023; khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187 nghìn tỷ đồng (giảm 24,7% so với năm 2023); có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị giao dịch TPDN đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.
Về thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tạo thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ổn định, hiện có 85 doanh nghiệp KDBH (trong đó có 32 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 32 DNMGBH) và 01 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản năm 2024 ước đạt khoảng 1.007 nghìn tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 850 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%.
Về sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, theo Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã chủ động, tập trung chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng và ban hành kế hoạch để triển khai, thực hiện; yêu cầu toàn ngành tài chính tập trung rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với quá trình đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với việc thực hiện tinh giản biên chế. Bộ Tài chính đã thực hiện giao biên chế công chức cho các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ năm 2024 và giai đoạn 2024-2026; trong đó, năm 2024 giảm 679 biên chế so với năm 2023, năm 2026 giảm 3.342 biên chế so với biên chế được giao năm 2022, tương đương giảm 5% biên chế công chức so với năm 2022.
Năm 2025 là năm đặc biệt, năm cuối cùng triển khai thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch tài chính 05 năm 2021-2025 và thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy theo Kết luận 09-KL/BCĐ ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương; là năm triển khai xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và NSNN giai đoạn 2026-2030, năm tiến hành đại biểu địa phương các cấp để tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực được dự báo sẽ còn phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát, tỷ giá gia tăng, các vấn đề nội tại của nền kinh tế, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao; thị trường tài chính, thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tài chính – NSNN năm 2025.
Thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu ngân sách nhà nước
Bộ Tài chính cho biết, tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10,11/2024), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 158/2024/QH15 ngày 12/11/2024 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7-7,5%; kiểm soát lạm phát trong phạm vi 4,5%,...;
Nghị quyết số 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024 về dự toán NSNN năm 2025 với các chỉ tiêu như sau: dự toán thu NSNN là 1,97 triệu tỷ đồng; trong đó: thu nội địa chiếm 84,8%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%.
Dự toán chi NSNN là 2,5 triệu tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 31%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 60,9%. Bội chi NSNN là 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Vay trả nợ gốc là 363,6 nghìn tỷ đồng.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, Bộ Tài chính đề ra 9 giải pháp trọng tâm.
Một là, giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tăng cường năng lực dự báo đúng, kịp thời những biến động tình hình kinh tế thế giới và trong nước để đề xuất các giải pháp điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm xử lý tốt các vấn đề phát sinh.
Hai là, thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.
Bốn là, kiểm soát hiệu quả bội chi NSNN, nợ công, nghĩa vụ nợ dự phòng.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
Sáu là, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, nòng cốt cho kinh tế nhà nước.
Bảy là, tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Tám là, tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Chín là, chú trọng điều hành các nhiệm vụ tài chính – NSNN trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899