Thủ tướng: Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp

02/02/2024, 15:58

TCDN - Thủ tướng Chính phủ đánh giá, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên hiện nay, tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp.

Sáng 2/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới".

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ, phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động lấy lợi ích kinh tế là chính; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương luôn quan tâm và ban hành, triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đến nay, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, khu vực kinh tế tập thể của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp. Một số thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn mang tính hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Hiệu quả hoạt động hợp tác xã chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh không cao. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến.

Nghị quyết số 20-NQ/TW chỉ rõ: "Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực hoặc không khả thi".

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Trong đó phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian tới…

Đặc biệt, Thủ tướng mong muốn các đại biểu hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển mới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 hợp tác xã, 158 liên hiệp hợp tác xã và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các hợp tác xã đạt gần 3.6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…

Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩn…

Trong đó, từ năm 2013-2021 có hơn 362,000 lượt cán bộ, thành viên hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng; có hơn 2,600 hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ xúc tiến thương mại với số tiền khoảng 255 tỷ đồng; giai đoạn 2013-2020, cả nước đã hỗ trợ hơn 5,800 hợp tác xã ứng dụng, chuyển giao công nghệ với tổng kinh phí khoảng 268 tỷ đồng; doanh số cho vay đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong giai đoạn 2013-2021 đạt khoảng 50,800 tỷ đồng…

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào GDP còn thấp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cách mạng công nghiệp 4.0
Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) đã và đang phát triển rộng khắp trên các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, để khu vực KTTT, HTX ngày càng phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Thành lập 10.000 tổ chức kinh tế tập thể đến năm 2025
Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.