Thủ tướng: Vinachem phải duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh

23/08/2024, 09:26
báo nói -

TCDN - Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đi đầu trong nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực mới trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất theo hướng có chọn lọc; duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, cân đối các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Chiều 22/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống ngành Hóa chất Việt Nam (19/8/1969-19/8/2024) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức.

Từ kết quả kinh doanh thua lỗ, đến nay Tập đoàn đã kinh doanh có lãi, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đạt các mốc lịch sử, cao nhất từ trước tới nay trong các năm 2022 và 2023, thể hiện rất rõ vai trò trụ cột dẫn dắt ngành công nghiệp hóa chất của đất nước, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Năm 2023, doanh thu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đạt trên 57.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt gần 3.300 tỷ đồng; đảm bảo việc làm cho gần 20.000 lao động với 21 đơn vị thành viên, 11 công ty liên kết, 4 đơn vị sự nghiệp và hạch toán phụ thuộc. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt gần 31.000 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt gần 870 tỷ đồng; tiền lương bình quân trên 13 triệu đồng/người/tháng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của Vinachem.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của Vinachem.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng nhấn mạnh, công nghiệp hóa chất là ngành nền tảng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia và là ngành sản xuất lớn thứ 5 toàn cầu.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám làm với khát vọng xây dựng và phát triển Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành công nghiệp hóa chất, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế.

Tiếp tục củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh gọn, phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm. Rà soát, cơ cấu lại các nguồn lực; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh phù hợp với quy mô doanh nghiệp lớn, địa bàn hoạt động rộng, nắm giữ tài sản, tài nguyên lớn của đất nước. Quản trị phải thông minh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch, tập trung cho chuyển đổi số; giải quyết dứt điểm những tồn đọng.

Phát huy vai trò dẫn đầu của doanh nghiệp nhà nước, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển trung và dài hạn để có cơ cấu nhóm ngành hợp lý, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của mình, làm mới lại các động lực truyền thống, tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính, tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho người lao động và sức khỏe cộng đồng.

Đi đầu trong nghiên cứu, đầu tư vào các lĩnh vực mới trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất theo hướng có chọn lọc, phù hợp với xu thế thế giới, phát triển các ngành công nghiệp trong tương lai, nhất là về công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong một số ngành mới nổi, như công nghiệp bán dẫn, ắc quy và pin lưu điện...

Duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, cân đối các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ với các ngân hàng có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới, bảo đảm nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn và các đơn vị thành viên; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các dự án của Tập đoàn để tận dụng được lợi thế và cơ hội phát triển đã được xây dựng và tích lũy 55 năm qua về lĩnh vực hóa chất với nhiều yêu cầu về hạ tầng và bảo vệ môi trường.

Tích cực đổi mới, tái cơ cấu các đơn vị trong Tập đoàn phù hợp với định hướng phát triển của ngành nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, phát huy sức mạnh của hệ thống các doanh nghiệp trong ngành; phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục cơ cấu lại 3 dự án yếu kém (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2-Vinachem) theo các đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm hiệu quả.

Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và áp dụng các giải pháp công nghệ, công cụ và vật liệu tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất bền vững, lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu Vinachem tiếp tục quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong tái cấu trúc quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số; tái cấu trúc, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn; tái cấu trúc nguyên liệu đầu theo hướng tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tham gia các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng: Vinachem phải duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ông Phùng Quang Hiệp làm Chủ tịch Vinachem
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinachem, ông Phùng Thanh Hiệp là Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn.
Năm 2024, Vinachem muốn đạt doanh thu hơn 56.000 tỷ đồng
Năm 2024, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 53.261 tỷ đồng, bằng 106%; doanh thu cộng hợp 56.497 tỷ đồng, bằng 102% năm 2023; lợi nhuận cộng hợp 2.430 tỷ đồng.