Thừa Thiên - Huế: Loạt sai phạm về quản lý đầu tư xây dựng

21/04/2021, 08:58

TCDN - Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, hạn chế trong quản lý đầu tư xây dựng ở Thừa Thiên - Huế.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận số 355/KL - TTCP ngày 4/3/2021 về việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi; quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Công tác đấu thầu kém hiệu quả

Trong phần kết luận về công tác quán lý xây dựng với các dự án đầu tư vốn ngân sách tại Thừa Thiên - Huế Thanh tra Chính phủ đánh giá công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán còn hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu về tính khả thi và tính hiệu quả của dự án dẫn tới nhiều dự án trong quá trình thi công phải xử lý, điều chỉnh phát sinh nhiều lần, làm tăng giá trị gói thầu, kéo dài thời gian thi công, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án và gây bức xúc cho người dân.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, hạn chế trong quản lý đầu tư xây dựng ở Thừa Thiên - Huế. (Ảnh minh họa)

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, hạn chế trong quản lý đầu tư xây dựng ở Thừa Thiên - Huế. (Ảnh minh họa)

Việc tổ chức đấu thầu một số dự án, công trình kém hiệu quả, tỷ lệ giảm giá qua đấu thầu quá thấp (giảm dưới 0,1%) giá trúng thầu thường sát giá gói thầu, không đạt mục tiêu tiết kiệm vốn ngân sách. Qua thực tế thấy, đấu thầu qua mạng minh bạch, mang lại hiệu quả nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Một số chủ đầu tư mời thầu không thực hiện công khai đầy đủ thông tin, không đăng tải kế hoạch đấu thầu theo quy định, vi phạm khoản 1 Điều 5 Luật đấu thầu năm 2005.

Phê duyệt, áp dụng hình thức chỉ định đấu thầu đối với gói thầu xây lắp vượt hạn mức quy định, vi phạm Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 và Điều 54 Nghị định 63/2013/NĐ-CP của Chính phủ (Dự án Xử lý khẩn cấp khắc phục xói lở bờ biển khu vực Hải Dương, thị xã Hương Trà; Dự án Kè chống sạt lở bờ biển khu vực An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang; Công trình Khu tái định cư Hải Dương 3, thị xã Hương Trà và một số gói thầu rà phá bom mìn).

Công tác quản lý chất lượng, tiến độ chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết các dự án được kiểm tra không lập tiến độ thi công chi tiết, nhật ký thi công ghi chép sơ sài không đầy đủ nội dung theo quy định, quá trình thi công kéo dài, chậm hoàn thành đưa vào sử dụng... làm giảm hiệu quả đầu tư. Cá biệt dự án Văn phòng làm việc của các Ban của Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế và dự án Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Lập An chất lượng thi công không đảm bảo, mới đưa vào sử dụng có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Công tác quản lý hợp đồng, thi công xây lắp, công tác nghiệm thu thanh quyết toán 24 dự án, công trình được thanh tra còn để xảy ra các vi phạm, tồn tại, hạn chế như tính toán khối lượng chưa chính xác; nghiệm thu sai thực tế thi công; áp dụng định mức, đơn giá biện pháp thi công chưa phù hợp làm tăng chi phí đầu tư, điều chỉnh, gia hạn hợp đồng không đúng quy định với số tiền sai phạm là 99.792,25 triệu đồng, trong đó xử lú thi hồi lại ngân sách 9.244,74 triệu đồng, thu hồi hoàn trả vốn đầu tư 12.461,5 triệu đồng, giảm trừ khi phê duyệt quyết toán hoàn thành 44.956,67 triệu đồng, xử lý khác 33.129,34 triệu đồng.

Công tác quyết toán dự án hoàn thành chưa đảm bảo về thời gian theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 09/2016/TT-BTC, đến thời điểm thanh tra vẫn còn 487 dự án (chiếm 35 %) sau khi bàn giao đưa vào sử dụng chưa nộp báo cáo quyết toán, chậm phê duyệt quyết toán từ dưới 6 tháng đến trên 24 tháng. Một số dự án được tạm ứng, thanh toán vượt so với số quyết toán nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền là 4.582,57 triệu đồng.

Có dấu hiệu cố ý dàn xếp cho người trúng thầu

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc tổ chức đấu giá tại tám lô đất ở xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy để xây dựng resort Hoàng Mai có dấu hiệu dàn xếp cho ông Lê Ngọc Th. (trú TP Huế) trúng đấu giá.

Cụ thể, tám lô đất trên được tổ chức bán đấu giá vào năm 2010 được thể hiện bằng một biên bản đấu giá cho cả tám lô đất là không đúng quy định, có dấu hiệu cố ý dàn xếp cho người trúng đấu giá.

Hội đồng đấu giá không tiến hành thông báo tổ chức đấu giá theo quy định; Phòng TN&MT thuộc UBND thị xã Hương Thủy theo ủy quyền đã không tiến hành bàn giao đất trên thực địa cho người trúng đấu giá.

Qua kiểm tra tại hiện trường, phát hiện ông Lê Ngọc Th. có các vi phạm như: Sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm, xây dựng trái phép… nhưng chưa được xử lý kiên quyết; UBND thị xã Hương Thủy buông lỏng trong quản lý trật tự xây dựng, thiếu kiểm tra, giám sát...

Những trách nhiệm trên thuộc về chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Nguyễn Đắc Tập (nay là phó chủ tịch UBND thị xã), trưởng Phòng TN&MT, trưởng Phòng Quản lý đô thị và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời có phần trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh qua các thời kỳ trong việc chỉ đạo xử lý vụ việc không dứt điểm.

Đặc biệt là trường hợp UBND TP. Huế bán chỉ định không qua đấu giá lô đất A7 rộng 195,2m2 thuộc tổ 13, khu vực 5 phường An Đông cho ông Huỳnh Cư (cựu bí thư Thành ủy TP. Huế) là vi phạm Luật đất đai 2013.

Theo kết luận thanh tra, lô đất A7 nằm trong danh sách để đưa ra đấu giá theo các Quyết định của Chủ tịch UBND TP. Huế. Nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế có văn bản tạm dừng đấu giá và tự ý điều chỉnh diện tích lô đất này từ 193,2m2 lên 195,2m2. Sau đó trình Chủ tịch UBND TP. Huế ban hành quyết định giao đất cho ông Huỳnh Cư (lúc này là Bí thư Thành ủy TP. Huế) mà không thông qua đấu giá.

Việc giao đất cho ông Huỳnh Cư diễn ra vào năm 2017 nhưng lại lấy giá xác định khởi điểm đấu giá năm 2016 để tính giá đất phải nộp thuế là sai quy định. Theo kết luận thì điều này thể hiện sự tùy tiện, có dấu hiệu làm lợi cá nhân, làm thất thu ngân sách nhà nước.

PV
Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên - Huế: Loạt sai phạm về quản lý đầu tư xây dựng tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan