Thuế đối ứng của Mỹ mang tới cơ hội vàng cho Ấn Độ

22/04/2025, 20:36
báo nói -

TCDN - Giới lãnh đạo Ấn Độ luôn mơ ước biến đất nước của họ thành công xưởng thế giới và chính sách thuế đối ứng của Mỹ mang tới loại thế lớn cho New Delhi.

Ấn Độ mơ ước trở thành công xưởng mới của thế giới. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của nước này đang phải vật lộn vì tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề.

Cơ hội hiếm

Khi Ấn Độ đối mặt với mức thuế đối ứng 27% của Mỹ, các quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp nước này vẫn thấy họ được hưởng lợi vì thủ lớn nhất Trung Quốc còn chịu mức thuế nặng nề hơn.

Sau đó, Nhà Trắng miễn các mức thuế đối ứng cao đối với Ấn Độ và hàng chục nền kinh tế khác hơn trong 90 ngày. Trái lại, Tổng thống Donald Trump lại tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%.

Ông Praveen Khandelwal, một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền của Thủ tướng Narendra Modi, đánh giá mức thuế đối ứng cao kỷ lục mà Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc tạo ra “cơ hội đáng kể cho ngành công nghiệp và thương mại Ấn Độ”. Sở hữu lực lượng lao động lớn nhất nhì thế giới, Ấn Độ đã và đang cố gắng chen chân vào lĩnh vực sản xuất. 

Tuy nhiên, tờ New York Times (NYT) nhận xét các nhà máy của Ấn Độ vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc.

Trong 10 năm qua, Thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực theo đuổi tham vọng có tên “Make in India”. Chính phủ lập ngân sách hơn 26 tỷ USD để trợ cấp các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chiến lược, đồng thời nỗ lực thu hút đầu tư ngoại với lời kêu gọi giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.

cong nhan An Do 2

Ấn Độ đã đạt một số thành công. Thành tựu nổi bật nhất trong số đó là Foxconn chuyển một phần hoạt động từ Trung Quốc sang Ấn Độ và bắt đầu sản xuất iPhone tại nước này. Cơ sở hạ tầng công cộng cũng cải thiện đáng kể dưới sự chỉ đạo của ông Modi. 

10 năm không đủ để phát triển nhân lực

Nhiều nhà quan sát cho rằng ngành sản xuất và lượng công việc mà nó tạo ra sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự trỗi dậy của Ấn Độ thành một cường quốc toàn cầu, giống như Trung Quốc trong quá khứ. 

Nhưng trong 10 năm qua, ngành sản xuất ở Ấn Độ đã trở nên “lép vế” hơn so với dịch vụ và nông nghiệp, với tỷ trọng trong GDP giảm từ 15% xuống 13%. Trong khi đó, tại hầu hết các quốc gia Đông Á, đóng góp của ngành sản xuất cho nền kinh tế vào khoảng 25%, tức gấp đôi Ấn Độ.

Quãng thời gian 10 năm vẫn chưa đủ để đào tạo lực lượng lao động đông đảo của Ấn Độ đạt trình độ phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Vikram Bathla, nhà sáng lập công ty sản xuất pin lithium-ion LiKraft, cho biết ông gặp nhiều khó khăn khi thuê nhân sự cho các vị trí đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Nhà máy của ông đặt tại khu công nghiệp Rai ở Haryana, cách New Delhi một giờ lái xe trên một xa lội mới với 8 làn.

Ông chia sẻ với NYT: “Chúng tôi có thể mua thiết bị của nước ngoài và đang làm vậy. Điều tôi thiếu là lao động tay nghề cao có thể sử dụng những máy móc đó”.

Ông Bathla cũng phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu - phần lớn đến từ Trung Quốc - từ cell pin cho đến máy móc dùng để hàn các cell và linh kiện điện tử vào pin. Thành phẩm cuối cùng sẽ được gắn mác “Made in India”, nhưng chuỗi cung ứng của chúng lại nằm ở nước ngoài.

Đây không phải vấn đề của riêng các nhà sản xuất công nghệ cao. Một nhà máy khác ở cùng khu công nghiệp với LiKraft cũng phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào nước ngoài.

AutoKame thiết kế, cắt và may vỏ bọc ô tô cho thị trường Ấn Độ. Các máy cắt vải với độ chính xác cao của công ty được nhập khẩu từ Đức và Italy. Sợi tổng hợp AutoKame sử dụng cũng phải mua từ nước ngoài.

Hàng loạt vấn đề kinh niên

Anil Bhardwaj, Tổng thư ký của một tổ chức thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, nói rằng giá nguyên liệu thô đắt chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các khó khăn khác mà doanh nghiệp phải đối mặt bao gồm chi phí đất đắt đỏ và tình trạng khan hiếm nguồn tín dụng tốt từ ngân hàng.

Nhiều khó khăn nói trên bắt nguồn từ chính sách thiếu nhất quán của chính phủ và thủ tục hành chính rườm rà. Những vấn đề ấy đã đeo bám nền công nghiệp Ấn Độ trong nhiều thập kỷ.

Ông Bhardwaj nói thêm rằng các công ty nhỏ ở Ấn Độ chịu sự cạnh tranh rất gay gắt của doanh nghiệp lớn, do đó họ có xu hướng tránh mở rộng và bỏ lỡ lợi thế kinh tế và quy mô.

Dù vậy, ông Bhardwaj và các chủ nhà máy khác vẫn công nhận những bước tiến đáng kể trong những năm qua. Ví dụ, khoảng 10 năm trước họ thường xuyên chịu cảnh thiếu hụt điện, nhưng nay năng lượng đã trở nên dồi dào tại các khu công nghiệp ở Haryana. Nhiều quy trình công cũng được tinh gọn trong thời gian ông Modi nắm quyền.

Và các bang tại Ấn Độ cũng thành công trong việc sao chép một phần hệ thống sản xuất giúp các nhà máy Trung Quốc trở nên vượt trội trên trường quốc tế. Theo một số ước tính, một cụm các nhà cung cấp Apple tại bang Tamil Nadu đang sản xuất 20% iPhone trên thế giới. Cho đến vài năm trước, gần như 100% iPhone đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Nghị sĩ Khandelwal khẳng định Ấn Độ đã sẵn sàng nắm bắt lợi thế bất ngờ từ mức thuế quan cao ngất ngưởng mà Mỹ đánh vào nhiều hàng hóa Trung Quốc. Nhiều chủ nhà máy nhỏ cũng ao ước điều tương tự. Nhưng họ sẽ phải vượt qua những trở ngại lớn tồn tại bao năm qua.

Linh Phong/The New York Times
Bạn đang đọc bài viết Thuế đối ứng của Mỹ mang tới cơ hội vàng cho Ấn Độ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

x