Thuế tiêu thụ đặc biệt - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam
TCDN - Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật thuế TTĐB năm 1999 và đã qua các lần sửa đổi, bổ sung để khắc phục các bất cập phát sinh, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
TÓM TẮT:
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) số 27/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2009 thay thế cho Luật thuế TTĐB năm 1999 và đã qua các lần sửa đổi, bổ sung để khắc phục các bất cập phát sinh, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Việt Nam đang tiếp tục hội nhập sâu rộng với cộng đồng kinh tế quốc tế, thực hiện 16 Hiệp định thương mại thế hệ mới. Việt Nam cũng đang chuyển động mạnh mẽ sang nền kinh tế số và cách mạng 4.0 đang len lỏi vào mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội… thì chính sách thuế TTĐB lại bộc lộ nhiều hạn chế, cần được tiếp tục hoàn thiện như một số quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mô tả mặt hàng tại Biểu thuế chưa thực sự rõ ràng; thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hoá khi sử dụng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội cũng như một số hàng hoá xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội… Do vậy, sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh là hết sức cần thiết. Bài viết tập trung vào phân tích kinh nghiệm quốc tế, liên hệ với thực tiễn Việt Nam và đưa ra khuyến nghị có liên quan.
1. Kinh nghiệm quốc tế
1.1. Tên gọi của Thuế
Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là loại thuế được áp dụng hầu hết các quốc gia trên thế giới với các tên gọi khác nhau như: Thuỵ Điển là “thuế đặc biệt”, Pháp là “thuế tiêu dùng đặc biệt”… Loại thuế này đánh vào một số hàng hoá, dịch vụ có tính chất đặc biệt, nhằm điều tiết sản xuất và tiêu dùng của mỗi quốc gia.
1.2. Về danh mục các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể cũng như chiến lược, định hướng, quan điểm, hướng dẫn sản xuất tiêu dùng, cũng như điều tiết thu nhập của xã hội của mỗi nước mà danh mục các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng khác nhau. Danh mục này cũng có thể được điều chỉnh trong từng thời kỳ phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế - xã hội, vào bối cảnh quốc tế và khu vực, các cam kết quốc tế và khu vực của quốc gia đó. Về cơ bản, đối tượng chịu thuế TTĐB chủ yếu là các mặt hàng hóa và dịch vụ có hại đến sức khỏe, ảnh hưởng lớn đến môi trường, hoặc có tính chất cao cấp, xa xỉ cần hạn chế tiêu dùng, hoặc cần điều tiết thu nhập.
Hiện tại, danh mục các sản phẩm chịu thuế TTĐB ở các quốc gia trên thế giới rộng hơn nhiều so với sản phẩm dịch vụ chịu thuế ở Việt Nam. Cụ thể, các sản phẩm dịch vụ đánh thuế TTĐB ở các nước được áp dụng như sau: Danh mục chịu thuế TTĐB của Hungary có 22 nhóm hàng hóa và dịch vụ; Thụy Điển 19 nhóm hàng hóa. Tại Vương quốc Anh, danh mục hàng hóa và dịch vụ áp dụng thuế TTĐB bao gồm: rượu bia, thức uống có cồn, sản phẩm thuốc lá, dầu hydrocarbon, các sản phẩm gây biến đổi khí hậu, nhiên liệu sinh học.
Tại khu vực Đông Nam Á, xin nêu ví dụ Thái Lan. Danh mục chịu thuế TTĐB của Thái Lan có 20 nhóm hàng hóa và dịch vụ. Hiện nay danh mục hàng hóa và dịch vụ cụ thể bị đánh thuế TTĐB bao gồm: Dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, một số đồ uống, một số loại sản phẩm điện tử, sản phẩm pin, thủy tinh và pha lê, mô tô, xe vận hành trên mặt nước, nước hoa và mỹ phẩm, đá granit và marble, sản phẩm làm nguy hại đến bầu khí quyển, rượu, thuốc lá, bài lá.
Cùng với Thái lan, danh mục chịu thuế TTĐB của Malaysia cũng có tới 17 loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau. Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, loại thuế này được đánh theo đối tượng chịu thuế riêng biệt như: Thuế đồ uống có cồn, thuế thuốc lá, thuế ô tô, thuế xăng, thuế đồ uống có đường…Hiện nay, Trung Quốc đánh thuế đồng hồ đeo tay cao cấp với mức thuế suất 20%, mỹ phẩm chịu mức thuế suất 30%, đồ trang sức từ 5%-10%.
Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia đánh thuế cao hơn đối với các mặt hàng điện tử tiêu thụ nhiều điện năng. Tại Nhật Bản đánh thuế TTĐB vào rất nhiều mặt hàng điện tử với mục đích tạo nguồn thu phát triển tài nguyên năng lượng quốc gia.
Về một số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, cũng được nhiều quốc gia lựa chọn khác nhau. Ví dụ, đối với dịch vụ đua ngựa, đua xe đạp. Hiện nay, Hàn Quốc đã đưa dịch vụ đua ngựa, đua xe đạp vào danh mục chịu thuế TTĐB. Đây là một dịch vụ xa xỉ đối với đại đa số người dân nên việc đưa nhóm dịch vụ này vào đối tượng chịu thuế là hợp lý.
Đối với nhóm dầu khí và than đá. Trong các đối tượng chịu thuế TTĐB của Nhật Bản, ngoài các đối tượng chịu thuế TTĐB thông thường thì còn có nhóm đối tượng chịu thuế dầu khí và than đá. Nhật Bản cho rằng, dầu khí và than đá là nhóm đối tượng có tác động tiêu cực đến môi trường, cho nên cần thiết phải đánh thuế TTĐB để hạn chế tiêu dùng.
Đối với nhóm hàng hoá là nước giải khát có ga và nước ngọt khác. Thuế đánh vào đồ uống có đường được áp dụng ở khá nhiều quốc gia như: Các nước ở châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Á. Việc đánh thuế đặt trong bối cảnh các loại đồ uống chứa đường có tác hại đến sức khỏe của con người. Hiện nay trên thế giới đã có gần 40 quốc gia đã đánh thuế đối với mặt hàng nước ngọt. Nguyên tắc đánh thuế dựa trên hàm lượng đường trong sản phẩm đồ uống nước ngọt.
1.3. Về mức thuế suất
Mức thuế suất thuế TTĐB cũng được áp dụng tại các quốc gia khác nhau đối với các mặt hàng khác nhau. Điển hình như Pháp thu thuế TTĐB đối với nước giải khát không cồn (trừ sirô, nước ép trái cây, nước ép rau, nước trái cây) với mức thuế tuyệt đối 0,72 Euro/ lít; Hungary đã áp dụng thuế đối với hàng loạt thực phẩm và đồ uống từ năm 2011, bao gồm 0,22 Euro/lít cho đồ uống có hàm lượng đường trên 0,5% và Chính phủ cam kết dùng tiền thuế thu được tái đầu tư vào bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Argentina thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga với mức thuế suất 8,7%; Mỹ có 23 bang thu thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga và nước ngọt khác với mức thuế suất từ 1% - 8%; Thái Lan quy định nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD/chai 440cc...Tuy nhiên, các nước như Myanmar áp dụng mức tương đối với mức thuế suất 100%, Thái Lan áp dụng phương pháp hỗn hợp với mức 87% cộng với 0,03 USD/gram.
Đối với sản phẩm thuốc lá, một trong những sản phẩm gây hại cho sức khoẻ người sử dụng thì Myanmar áp dụng mức thuế suất 100%, Thái Lan áp dụng phương pháp hỗn hợp với mức 87% cộng với 0,03 USD/gram. Nhìn chung, phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá trên thế giới khá đa dạng (tỷ lệ %, mức tuyệt đối hoặc hỗn hợp.
Việc điều chỉnh thuế tại nhiều nước thực hiện từng bước, bảo vệ tính hiệu quả của biện pháp trước lạm phát. Hiện nay, nhiều nước đã áp dụng cách tiếp cận này và điều chỉnh thuế suất định kỳ qua thời gian. Philippines đã bãi bỏ “chế độ giữ nguyên phân loại giá” và sau cuộc cải cách thuế năm 2017. Philippines cũng đã tăng mức thuế hàng năm để phù hợp với mức lạm phát. Tương tự, Hàn Quốc đã cố gắng điều chỉnh mức thuế thuốc lá so với lạm phát để họ có thể tăng giá thuốc lá thực tế một cách tương ứng nhằm phản ánh sức mua thực tế của người tiêu dùng và mức độ khả năng chi trả của họ.
1.4. Về phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Trên thế giới hiện nay có ba phương pháp tính thuế TTĐB được áp dụng đó là thuế tuyệt đối, thuế tương đối và thuế hỗn hợp. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 3 phương thức, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối là đông nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỉ lệ phần trăm (47 quốc gia). So với gần 15 năm trước (năm 2008) thì cách tính thuế hỗn hợp có sự gia tăng về số lượng quốc gia chọn lựa.
Ở nhiều nước thuộc châu Á, như: Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Trung Quốc… Nhà nước đánh thuế theo cả phương thức tuyệt đối và phương thức tương đối tuỳ vào từng hàng hoá dịch vụ, thậm chí áp dụng cả phương thức hỗn hợp trên cùng 1 loại hàng hoá dịch vụ.
1.5. Về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá
Trong thực tế đưa ra mức thuế TTĐB như thế nào, đánh cao hay đánh thấp đối với mặt hàng thuốc lá và tác động tới nó ra sao? Tại nhiều nước cũng đã đưa ra cho kinh nghiệm về vấn đề này. Bởi vì đánh thuế TTĐB cao, làm cho giá bán lẻ thuốc lá cao, kích thích tình trạng buôn lậu và người tiêu dùng mua hàng lậu với giá rẻ. Bài học kinh nghiệm từ Malaysia, Anh, Đức cho thấy, khi tăng thuế TTĐB đột ngột, đột biến đối với mặt hàng thuốc lá, sẽ gia tăng nạn thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp tràn lan, lấn át thuốc lá truyền thống. Tình trạng đó làm cho ngân sách thất thu, không đạt mục đích giảm lượng người hút thuốc và cũng có thể đẩy nhiều công ty thuốc lá vào chỗ đóng cửa còn người lao động thất nghiệp.
Tại Đức là minh chứng rõ ràng cho việc tăng thuế TTĐB quá mức đối với thuốc lá trong các năm 2002-2005 ở cả 2 cấu phần thuế, đó là theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối. Điều này đã dẫn đến việc giá bán lẻ thuốc lá hợp pháp tăng mạnh khiến người tiêu dùng hướng tới các lựa chọn thay thế khác. Hậu quả là lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34% (giảm từ 145,2 tỷ xuống 95,8 tỷ điếu thuốc lá), Chính phủ đã mất một nguồn thu đáng kể trong khi các vấn đề về buôn lậu và thương mại xuyên biên giới tăng cao.
Từ năm 2005 trở đi, cấu phần thuế theo tỷ lệ phần trăm bắt đầu giảm dần trong khi cấu phần thuế tuyệt đối đã bắt đầu tăng dần đều. Với xu hướng này, Đức đã có thể đạt được mục tiêu tăng doanh thu của Chính phủ cũng như giảm tiêu dùng. Từ năm 2010, bằng cách thực hiện Mô hình Thuế Thuốc lá theo hướng tăng dần thuế TTĐB một cách vừa phải trong một khoảng thời gian cụ thể là 5 năm, Chính phủ Đức đã có được nguồn thu ngân sách dễ dự đoán hơn. Kết quả thực tế, tính bình quân các năm 2011- 2019, nguồn thu ngân sách kể từ khi thực hiện mô hình này đã tăng hơn 4,2% so với giai đoạn 2006 -2010.
Đối với Anh, trước khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh là nước có mức thuế gián thu đối với thuốc lá cao nhất trong số các thành viên EU. Ngay sau đó, Anh tiếp tục tái cơ cấu thuế TTĐB đối với thuốc lá. Cụ thể, từ năm 2011, giảm mạnh thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm từ 24% xuống 16,5% trong khi cấu phần thuế tuyệt đối tăng lên khoảng 30%. Tiếp theo, từ năm 2017, ban hành chính sách thuế TTĐB tối thiểu (MET). Mức giá sàn được áp dụng cả hai thành phần thuế là thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ phần trăm. Mức thuế suất MET hiện tại, áp dụng từ ngày 27/10/2021 đến nay là 347,86 Bảng Anh trên 1.000 điếu thuốc.
Chính sách áp thuế thuốc lá cao quá mức nói trên đã thúc đẩy thị trường tiêu thụ thuốc lá bất hợp pháp và thuốc lá giả. Buôn bán thuốc lá lậu đã trở thành một vấn đề nổi cộm ở Anh, chiếm khoảng 20% thị phần. Để hạn chế sự gia tăng lượng thuốc lá lậu, Anh đã thực hiện nhiều chính sách, chiến lược khác nhau như: thành lập Cơ quan Biên giới Anh (UK Border) làm việc chặt chẽ với hải quan và kho bạc nhà nước, bổ sung số lượng lớn nhân viên hải quan cùng hệ thống và máy quét x-quang hiện nay ở các sân bay quốc tế, nhà ga đường sắt quốc tế Euro Tuner, tăng nặng các chế tài hình sự và dân sự đối với tội buôn lậu…
Trong khi đó, đối với các quốc gia châu Á, điển hình như Indonesia, nơi được coi là thị trường thuốc lá lớn nhất Đông Nam Á đã từ bỏ hệ thống thuế theo tỷ lệ % và chuyển sang áp dụng chính sách thuế “tuyệt đối đa cấp” phức tạp hơn vào năm 2009. Theo đó, thuế TTĐB đối với thuốc lá được xác định dựa trên loại thuốc lá (kretek/non- kretek), phương pháp sản xuất (sản xuất bằng máy/thủ công), khối lượng sản xuất và giá banderol (hoặc giá bán lẻ thực tế).
Kể từ năm 2014, gần như hàng năm Chính phủ Indonesia thực hiện tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá điếu, dựa trên chương trình cải cách thuế vì lợi ích cho sức khỏe. Với chính sách này đã làm cho giá bán lẻ thuốc lá tăng khoảng 10-12% mỗi năm và thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá thêm 23%. Kết quả là năm 2018, số thu thuế TTĐB đối với thuốc lá của Indonesia đạt khoảng 164,8 tỷ Rp, tăng từ khoảng 143,5 tỷ Rp trong năm 2015-2016. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuốc lá tăng từ 8,2% lên 9% vào đầu năm 2020.
Tại Malaysia, thuốc lá trong nước đã phải đối mặt với vấn nạn thuốc lá lậu trong nhiều năm. Thuốc lá bất hợp pháp ước tính chiếm hơn 50% thị phần. Nguyên nhân một phần do một số hòn đảo du lịch của Malaysia được xây dựng thành khu vực miễn thuế và tạo cơ hội cho việc bán bất hợp pháp vào phần còn lại của thị trường nội địa. Tuy nhiên, phần lớn là do việc tăng thuế cao và đột ngột tại Malaysia đã khiến giá thuốc lá hợp pháp tăng tương đối cao so với thu nhập của người dân. Do đó, đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa giá thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu, đắt hơn khoảng 5 lần thuốc lá lậu.
Tại Hàn Quốc có cơ cấu thuế tương đối đơn giản, áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc, không phụ thuộc vào giá bán mà dựa vào đơn vị tiêu thụ. Cơ cấu này cho phép chính phủ Hàn Quốc dự đoán tốt hơn doanh thu từ thuế và thiết lập một mức thuế hiệu quả. Đồng thời, bằng cách xây dựng mức thuế thuốc lá tự động điều chỉnh theo lạm phát, Hàn Quốc có thể tăng giá thuốc lá thực tế tương ứng để phản ánh sức mua thực tế của người tiêu dùng và mức độ chi trả của họ. Tuy nhiên, cải cách thuế thuốc lá năm 2005 và 2015 với việc tăng mạnh thuế TTĐB đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá đã khiến mức tiêu thụ thuốc lá ở Hàn Quốc giảm mạnh do giá thuốc lá tăng khá nhiều. Song đến các năm sau (2006 và 2016) đã chứng kiến mức tiêu thụ quay trở lại tương đối mạnh.
Kinh nghiệm Hàn Quốc đã chỉ ra rằng, tăng thuế cao đối với thuốc lá không phải là cách thức bền vững để cắt giảm tiêu dùng và giảm tỉ lệ hút thuốc tạo nguồn thu cho chính phủ. Từ năm 2014 đến nay tại Hàn Quốc tình trạng mua bán thuốc lá lậu đã có dấu hiệu gia tăng.
Một số quốc gia đã lựa chọn việc tính thuế theo cả hai phương pháp, như Thái Lan áp dụng phương pháp hỗn hợp với mức 87%+ 0,03 USD/gram, Trung Quốc áp mức thuế suất là 45% cộng với 0,003 nhân dân tệ cho mỗi điếu.
2. Khuyến nghị giải pháp hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt tại Việt Nam
2.1. Một số quan điểm về hoàn thiện chính sách thuế
Một là, việc tăng thuế TTĐB đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ cần cân nhắc hài hòa giữa điều tiết nguồn thu NSNN, hạn chế tiêu dùng và phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ trong nền kinh tế và cam kết quốc tế. Đặc biệt, sau đại dịch Covid 19, cuộc chiến Nga - Ucraina vẫn chưa có hồi kết, các cú sốc khi thị trường trái phiếu Doanh nghiệp bị đổ vỡ, thị trường chứng khoán ảm đạm, thị trường bất động sản đóng băng, lãi suất tăng cao, hệ thống ngân hàng xiết van tín dụng, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy,… dẫn đến các doanh nghiệp rất khó khăn thậm chí là phá sản hàng loạt, các đơn hàng sụt giảm mạnh, thất nghiệp tăng cao…Do vậy, Việt Nam về cơ bản thì chưa nên tăng thuế TTĐB trong 1-2 năm tới mà cần phải nuôi dưỡng nguồn thu trên cơ sở cân nhắc một lộ trình hợp lý với mức tăng phù hợp, để tránh việc tăng sốc gây bất ổn thị trường, môi trường kinh doanh và gia tăng thuốc lá lậu, xì gà lậu, rượu ngoại lậu, cũng như những vấn đề về an sinh xã hội. Cần có lộ trình tăng thuế, mức độ tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá một cách phù hợp, do điều kiện thị trường Việt Nam có nhiều phân khúc giá khác nhau, tránh tạo ra cơ hội cho thuốc lá lậu gia tăng sản lượng tiêu thụ dẫn đến thất thu thuế. Tuy nhiên, với một số mặt hàng thuộc diện cần phải đưa vào đối tượng chịu thuế nhưng hiện vẫn chưa thì nên sớm đưa vào để đảm bảo tính điều tiết, tính công bằng cũng như tăng thu cho Ngân sách nhà nước.
Hai là, hoàn thiện, cải cách cơ cấu thuế theo hướng khuyến khích nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ để giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đến môi trường. Việt Nam cần chuyển nghiên cứu và có lộ trình chuyển sang hệ thống hỗn hợp và dùng yếu tố thuế tuyệt đối để điều tiết thị trường tiêu thụ một cách hợp lý. Mặc dù phương thức thuế tính theo tỷ lệ % được nhìn nhận là không thúc đẩy đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, vì khi đầu tư nâng cao chất lượng giá thành hàng hoá, dịch vụ sẽ cao, giá bán phải tăng cao tương ứng, dẫn đến gánh nặng thuế lớn hơn theo hiệu ứng số nhân của cơ cấu thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang rất khó khăn nên thời điểm áp dụng cần phải nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng.
Ba là, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan cần áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn, kết hợp với sử dụng một phần kinh phí từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để đẩy mạnh công tác chống thuốc lá lậu, qua đó tăng nguồn thu ngân sách từ ngành thuốc lá hợp pháp, thay vì đẩy nhanh việc gia tăng thuế và áp đặt thêm các khoản thu mới trên sản phẩm thuốc lá hợp pháp.
Bốn là, tăng thuế TTĐB là một công cụ, nhưng tăng thuế có thể tăng buôn lậu. Tăng buôn lậu sẽ làm giảm sản xuất và tiêu dùng hợp pháp, từ đó giảm số thu thuế. Ngoài ra, vòng xoáy tăng thuế dẫn đến tăng giá bán lẻ có thể sẽ thúc đẩy người hút chuyển sang các loại thuốc giá rẻ ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trong thực tế, trong những năm gần đây cho thấy, số lượng thuốc lá tiêu thụ về cơ bản không giảm, buôn lậu tăng, thu ngân sách về cơ bản không tăng nhưng lại tăng thất thu thuế. Tăng thuế những năm qua chưa đạt mục tiêu quản lý và có thể không nên là công cụ ưu tiên hàng đầu trong quản lý Nhà nước đối với tiêu thụ thuốc lá.
Năm là, cần có giải pháp hài hòa cho bài toán tăng thuế TTĐB, cần nghiên cứu kỹ và có lộ trình dịch chuyển từ cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm sang cơ cấu hỗn hợp/thuế tuyệt đối vì những ưu điểm của nó và phù hợp với xu hướng thông lệ Quốc tế. Cần có lộ trình tăng thuế TTĐB từ từ, không nên tăng thuế đột ngột nhằm bảo vệ tính hiệu quả của biện pháp.
2.2. Khuyến nghị giải pháp cụ thể
Từ những phân tích ở trên bài viết xin đưa ra một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, về danh mục hàng hoá dịch vụ chịu thuế. Như đã đề cập, danh mục chịu thuế TTĐB ở Việt Nam ít hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, không vì thực tế này mà Việt Nam đưa tất cả các sản phẩm chịu thuế ở các quốc gia khác vào danh mục hàng hoá, dịch vụ chịu thuế, mà phải xem xét điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá ở Việt Nam có phù hợp hay không. Song cũng tính đầy đủ các cam kết quốc tế trong các hiệp định song phương và đa phương. Một yếu tố nữa cũng tính tới đó là xu hướng quốc tế và hội nhập của Việt Nam đang diễn ra ngày càng sâu rộng.
Trước đây, có dự kiến đánh thuế với các mặt hàng như trà, cà phê… nhưng đây là các sản phẩm thiết yếu đối với người tiêu dùng Việt Nam nên không phù hợp khi đánh thuế TTĐB. Các sản phẩm như nước giải khát có gas, các sản phẩm giải khát giống bia nhưng không có nồng độ cồn…hiện nay chưa chịu thuế TTĐB. Đây là nhóm sản phẩm đang được người dân sử dụng với mức độ gia tăng nhanh nhưng lại có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ người tiêu dùng nên cần nghiên cứu để sớm đưa vào danh mục hàng hoá chịu thuế TTĐB nhưng với mức thuế suất thấp.Trước mắt, chưa nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phảm đồ uống có Đường. Đối với điện thoại thông minh cao cấp (flagship) của các hãng điện thoại nổi tiếng như Apple, Samsung, Huawei, Oppo… đề xuất ngưỡng giá bán chưa thuế GTGT làm căn cứ xác định điện thoại thông minh chịu thuế TTĐB là 05 lần mức lương cơ sở và đề xuất phương án đánh thuế 10% hoặc 15% trong giai đoạn đầu áp dụng. Đối với mỹ phẩm, nước hoa đề xuất lựa chọn phương án thuế suất 15% trong giai đoạn đầu áp dụng và có thể tiến hành tăng thuế suất trong giai đoạn 3-5 năm tiếp theo. có thể nghiên cứu bổ sung thêm một số hàng hóa, dịch vụ khác thuộc nhóm cao cấp hoặc cận cao cấp vào diện chịu thuế TTĐB như: trò chơi trực tuyến (Game online), spa, dịch vụ thẩm mỹ (làm mặt, làm răng…), đồ trang sức túi ví da của các hãng thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel, Bubbery, đồng hồ Thuỵ sĩ (Patek Philippe & Tam Son, Rolex), đồng hồ Nhật (Longiness)...với mức thuế suất tối thiểu 10% trở lên.
Thứ hai, về phương thức đánh thuế TTĐB. Với phương thức đánh thuế tương đối hoàn toàn như hiện tại Việt Nam đang áp dụng thì chưa thực sự phù hợp. Đặc biệt, các sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá có giá thành không cao nhưng lại ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ cộng đồng thì việc áp dụng thuế theo tỷ lệ % trên giá bán sẽ không phục vụ tốt cho mục tiêu điều tiết, định hướng tiêu dùng. Do vậy, trong tương lai Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính nên cân nhắc và áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối cho mặt hàng rượu, bia, thuốc lá. Phương pháp này sẽ giúp quản lý dễ dàng hơn về số thuế thu cho ngân sách nhà nước. Bởi vì chỉ quản lý về mặt số lượng thay vì phải kiểm soát về cả mặt số lượng và giá bán như phương pháp tương đối hiện tại.
Thứ ba, về thuế suất thuế TTĐB. Tăng hay giảm mức thuế TTĐB trong giai đoạn hiện nay phải cân nhắc kỹ về tác động đến giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến người sử dụng, ảnh hưởng đến nhà đầu tư và thậm chí là cơ hội việc làm của người lao động. Tuy nhiên, đối với những mặt hàng có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân như rượu, bia, thuốc lá thì nên xem xét tăng mức thuế TTĐB phù hợp để hạn chế tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu chi phí điều trị bệnh tật cũng như cải thiện năng suất lao động. Tuy nhiên, như đã nói ở trên là cần có lộ trình tăng từ từ.
Thứ tư, về phương thức quản lý thuế: các cơ quan chức năng cần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân bằng cách tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức về thuế TTĐB thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để họ biết rằng tiêu dùng hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì người tiêu dùng sẽ phải nộp thuế nhiều hơn so với các hàng hoá dịch vụ khác. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan: Hải quan (bộ phận chống buôn lậu), Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, thuế, Quản lý thị trường…Tăng cường trách nhiệm và chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát của các cơ quan này.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp quy phù hợp. Rà soát và quản lý chặt chẽ các đơn vị nhập khẩu, sản xuất các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh trường hợp các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trốn, tránh thuế TTĐB. Ngoài ra, muốn thực thi được pháp luật thuế TTĐB thì rất cần đảm bảo chuẩn mực làm việc, nâng cao đạo đức, gương mẫu làm việc theo pháp luật cuả đội ngũ cán bộ quản lý thuế, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Tài chính (2020-2023): Các thông tin có liên quan, truy cập tại www.mof.gov.vn, một số thời điểm trong câc năm 2020-2023; thời gian truy cập, từ ngày 12 đến 22/6/2023.
2. Chính phủ (2018-2023): Cổng thông tin của Chính phủ: Truy cập tại: http://chinhphu.vn/ ; thời gian truy cập, từ ngày 12 đến 22/6/2023.3. TCTC (2022-2023): Các thông tin và bài viết có liên quan; truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/; thời gian truy cập, từ ngày 12 đến 22/6/2023.
Trần Anh Quyết
Cục Thuế Hà Nội
email: [email protected], hotline: 086 508 6899