Tiền kỹ thuật số và phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

28/08/2024, 15:57

TCDN - Bài viết phân tích thực trạng triển khai ngân hàng số tại Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp trong việc tiếp cận và phát triển tiền kỹ thuật số ở Việt Nam.

2-1

Tóm tắt

Với sự phát triển như vũ bão về tiến bộ công nghệ thông tin hiện nay, công nghệ số ngày càng được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hoạt động tài chính, tiền tệ, thanh toán, ngân hàng. Xuất hiện nhiều loại ví điện tử; các loại tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tiền thuật toán hay tiền mật mã không ngừng được xuất hiện. Kèm theo đó là công nghệ ngân hàng số cũng ra đời, trở nên quen thuộc trên các trang thông tin, được nhắc đến khá nhiều trên các diễn đàn và đang ngày càng trở nên quen thuộc trong giao dịch tài chính hàng ngày của con người, nhất là giới trẻ.

Bài viết phân tích thực trạng triển khai ngân hàng số tại Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp trong việc tiếp cận và phát triển tiền kỹ thuật số ở Việt Nam.

Từ khóa: ngân hàng thương mại, tiền kỹ thuật số, ngân hàng số

1. Thực trạng triển khai ngân hàng số tại Việt Nam

1.1. Tổng quan triển khai của Ngân hàng thương mại

Cho đến nay có khá nhiều bài viết, trang thông tin, tài liệu và báo cáo đề cập đến quá trình chuyển đổi số của hệ thống NHTM Việt Nam nói chung và cụ thể tửng NHTM nói riêng. Nhiều NHTM Việt Nam đang mạnh dạn đầu tư nguồn lực tài chính, mua sắm, công nghệ, đào tào nguồn nhân lực, hoàn thiện quy trình nội bộ cho lĩnh vực này. Mới đây, nhiều NHTM Việt Nam, như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, HDBank, Techcombank… triển khai mạnh mẽ và đồng bộ việc chuyển đổi công nghệ số với những tiện ích cụ thể cung cấp cho khách hàng; riêng TPBank, HDBank, VietCapitalBank, VPBank… đang triển khai xác thực định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) trên ứng dụng di động. Đây được xem là bước quan trọng để các ngân hàng đẩy nhanh quá trình số hóa. VNBA (2020 - 2023)

Quá trình chuyển đổi số của các NHTM Việt Nam có thể được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn các ngân hàng nghiên cứu, tìm hiểu, số hóa một số quy trình sản phẩm dịch vụ. Giai đoạn 2 là ý tưởng ngân hàng số chính thức, mức độ số hóa cao hơn, có thể lên đến 60-70% các hoạt động ngân hàng được số hóa. Giai đoạn thứ 3 là số hóa hoàn toàn, tức một số ngân hàng sẽ thành lập riêng một Digital Bank, một ngân hàng số hoàn toàn độc lập. 

Về tiến độ thực hiện chuyển đổi số của mặt bằng hệ thống NHTM VIệt Nam, đang có sự khác biệt quan trọng, bởi vì tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng mà quá trình thực hiện có sự khác nhau. Đén nay có nhiều ngân hàng mới chỉ giai đoạn 1, có ngân hàng đã ở giai đoạn 2 và cũng có ngân hàng đang bắt đầu giai đoạn 3, có ngân hàng số nhỏ riêng. 

TPBank đã có LiveBank riêng, VPBank trước đây có Timo,…đó là mô hình tương đối độc lập so với ngân hàng hiện tại, tuy nhiên vẫn chủ yếu phục vụ khách hàng hiện tại của ngân hàng. Vietcombank mới đây ra mắt ngân hàng số nhưng VCB Digibank cũng mới ở giai đoạn đầu. VNBA (2020 - 2023)

Vietcombank, BIDV và Vietinbank là những NHTM có điều kiện về nguồn lực tài chính, hạ tầng công nghệ và nhân lực, đã chủ động nắm bắt chiến lược số hóa được một thời gian khi triển khai ngân hàng điện tử,. Song đến nay có một mảng số hóa nhưng còn tương đối nhỏ. Mới chỉ số hóa một số quy trình hoặc sản phẩm dịch vụ chứ chưa số hóa cả ngân hàng. 

Vietcombank triển khai mạnh mẽ ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, còn tự nhận đây là dịch vụ mới nổi bật với sự đồng nhất về trải nghiệm, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt.

Trong các năm 2020 - 2023, công nghệ nhận dạng sinh trắc học cũng được triển khai tại các chi nhánh của hầu hết NHTM Việt Nam. Nhận diện sinh trắc học qua khuôn mặt, vân tay giúp tăng trải nghiệm khách hàng khi tới quầy giao dịch. Khách hàng đến quầy sẽ được nhận diện và phân luồng phục vụ tự động, thậm chí khách hàng hoàn toàn có thể tự thực hiện các giao dịch bằng các thiết bị ngoại vi kết nối trực tiếp với hệ thống ngân hàng. Hay các Kiosk thông minh sẽ được đặt tại các trung tâm thương mại, các khu mua sắm, nơi chưa có hiện diện của ngân hàng để phục vụ nhu cầu tài chính của khách hàng như thanh toán, rút tiền, mở tài khoản… một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn. VNBA (2020 - 2023)

Hầu hết các NHTM Việt Nam đã tập trung nguồn lực để đẩy nhanh chuyển đổi số trên các mặt hoạt động: (i) Xây dựng và phát triển đồng bộ các kênh phân phối hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Web Chat, Facebook, Youtube; sử dụng mã QR…; Xây dựng đồng thời các kênh tự phục vụ (e-zone) tại phòng giao dịch; (ii) Chuyển đổi quy trình thủ công tại quầy lên quy trình tự động vận hành trên các kênh ngân hàng số đối với hoạt động chuyển khoản, thanh toán, trả nợ vay, gửi tiền online, quản lý và trả nợ thẻ tín dụng; (iii) Phối hợp triển khai một số sản phẩm sáng tạo như: Samsung Pay, QR Pay, Chat-bot trên ứng dụng Mobile banking, Swift GPI, rút tiền ATM trên điện thoại; Phát triển ứng dụng Home; ứng dụng Blockchain, công nghệ mới về Robotics và trí tuệ nhân tạo; (iv) Triển khai và xây dựng các mô hình khai thác dữ liệu lớn, dữ liệu phi cấu trúc, ứng dụng các mô hình phân tích để đánh giá giá trị vòng đời khách hàng, marketing, bán chéo sản phẩm đúng đối tượng khách hàng… VNBA (2020 - 2023)

Đến nay, công nghệ nhận dạng sinh trắc học cũng được triển khai tại tất cả các NHTM Việt Nam. Bên cạnh đó dịch vụ quét mã QR cũng được tất cả các NHTM Việt Nam ứng dụng hoạt động ổn định, thông suốt, đông đảo khách hàng ưu dùng. Một điểm đặc biệt khác là tất cả các NHTM đều miễn phí chuyển tiền dựa trên nền tảng công nghệ số cho khách hàng cá nhân với các món thanh toán nhỏ. Do đó, các dịch vụ sửa điện thoại, sửa xe máy, ăn sang, cơm bình dân…người dân, nhất là giới trẻ ưu dùng thanh oán QR, công nghệ số. Trong cả nước xuất hiện đông đảo chợ 4.0, giao dịch thanh toán tại chợ dựa trên nền tảng công nghệ số. VNBA (2020 - 2023)

Nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; các công nghệ phổ biến của CMCN 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, Máy học, Dữ liệu lớn… đều đã được nghiên cứu, ứng dụng tại nhiều ngân hàng Việt Nam để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số, mang lại cho người dân các dịch vụ ưu việt với chi phí hợp lý. SBV (2020 – 2023)

Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%, đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã góp phần gia tăng nhanh chóng nhu cầu giao dịch thanh toán trên các kênh số nhưng các hạ tầng công nghệ, thanh toán của ngành Ngân hàng vẫn đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn cho thấy ngành Ngân hàng đã chủ động trong đầu tư, phát triển hạ tầng để bắt kịp được với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng, người dân.

Một số thành tựu tiêu biểu có thể kể đến như chỉ trong thời gian ngắn tỉ lệ tăng trưởng trong việc đưa các công nghệ vào hoạt động ngân hàng đã đạt 40%. Thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm (90% về số lượng và 150% về giá trị). Hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế. Nhiều nghiệp vụ đã được số hóa toàn diện 100%. Trong năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 130% về số lượng và 110% về giá trị. SBV (2020 – 2023)

1.2. Một số nhận xét

Một là, đang có sự phân hóa mạnh về tiến độ chuyển đổi số giữa các NHTM Việt Nam. Đây là vấn đề bình thường trong cạnh tranh và phát triển, bởi vì phụ thuộc vào mức độ phát triển cũng như chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng, năng lực tài chính và năng lực cán bộ. Nhiều ngân hàng muốn số hóa nhanh nhưng còn phải có năng lực về tài chính đủ mạnh, nhân lực nắm bắt được công nghệ và vận hành công nghệ thống suốt, có cơ sở hạ tầng dịch vụ ngân hàng điện tử, xây dựng được quy trình tác nghiệp và quy định quản lý ngân hàng số nội bộ, kiểm soát rủi ro hiệu quả, bảo đảm an toàn. Bốn vấn đề cốt lõi không phải một sớm, một chiều mà nhiều NHTM có được, nhất là các NHTM quy mô nhỏ và trung bình, nợ xấu còn cao. 

Hai là, những NHTM đi đầu, đi nhanh sẽ có lợi thế lâu dài trong cuộc đua số hóa. Nhưng trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, vấn đề không nằm ở quy mô mà vấn đề là ai có tốc độ triển khai nhanh hơn. Trên thực tế, nhiều ngân hàng nhỏ, ngân hàng quy mô vừa cũng rất nhanh chân trong cuộc đua ấy, một số còn rất chủ động đi đầu.

Ba là, đầu tư công nghệ là xu hướng tất yếu của các NHTM song đầu tư phải đảm bảo hiệu quả. Bởi vì các ngân hàng đầu tư công nghệ sẽ khá tốn kém ban đầu, nhưng sẽ đem lại lợi ích cuối cùng. Phần đầu tư công nghệ của ngân hàng giả sử làm tăng chi phí hoạt động khoảng 6% thì doanh thu đem về cho ngân hàng, lợi ích cho ngân hàng là lớn gấp đôi, tăng khoảng 12-14% thì đó là điều lý tưởng, còn đầu tư tăng 6% mà doanh thu cũng đem lại 5-6% thì cũng quyết tâm đầu tư, còn ở mức thấp hơn thì rõ ràng cần phải cân nhắc. VNBA (2020 - 2023)

Bốn là, các ngân hàng trên thế giới cũng như các NHTM Việt Nam, chuyển đổi số là vì khách hàng. Khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và tiện ích giao dịch, ưu thích công nghệ ngân hàng hiện đại, tiết kiệm thời gian và không bị giới hạn bởi không gian, giao dịch ngân hàng số rõ ràng đáp ứng được yêu cầu đó. Ngược lại, ngân hàng số cho phép giữ chân khách hàng hiện tại, thu hút khách hàng mới, nhất là giới trẻ, mà đây chính là phân khúc khách hàng đang gia tăng nhanh, có thu nhập ngày càng cao, có nhu cầu chi tiêu và thanh toán ngày càng lớn. Theo đó, NHTM sẽ có lợi về số dư tiền gửi bình quân trên tài khoản thanh toán của khách hàng, thu phí dịch vụ và bán chéo sản phẩm khác. Mặc dù các lợi ích thu được ban đầu không tương ứng với số vốn đầu tư, nhưng doanh thu lớn hơn so với việc đầu tư mở chi nhánh mới hay thành lập thêm phòng giao dịch. Bởi vậy các NHTM luôn cân đối và sẵn sàng mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số phù hợp với điều kiện và chiến lược cụ thể của mình.

Năm là, chuyển đổi ngân hàng số, là giải pháp cụ thể, hiệu quả triển khai giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời đem lại lợi ích kinh tế cụ thể cho các đơn vị cung ứng dịch vụ công, đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp, cơ hội kiếm lợi nhuận cho các doanh nghiệp có điều kiện ứng dụng công nghệ, làm trung guan thanh toán. Do đó, đến nay đã có 33 tổ chức được NHNN cấp phép trung gian thanh toán. Các đơn vị cung ứng dịch vụ công: thuế, hải quan, điện lực, nước sạch, viễn thông, truyền hình cáp, bệnh viện lớn, trường đại học… đang phối hợp cùng các NHTM triển khai khá có hiệu quả các dịch vụ thanh toán điện tử.

Sáu là, trên thực tế, mặc dù đều xác định chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu, nhưng sự chuẩn bị và sẵn sàng cho số hoá cũng như tiến độ thực hiện của các NHTM Việt Nam hiện nay khá chênh lệch. Theo báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2019 (ICT Index 2019) thì BIDV liên tục tục đứng đầu về ICT Index trong các NHTM trong 3 năm: 2017-2019, và đứng đầu về chỉ số sẵn sang đầu tư nguồn lực cho phát triển và ứng dụng CNTT. Chỉ số ICT Index năm 2019 của BIDV là 0,75 điểm, những NHTM tiếp theo sau là NamABank, Techcombank, TPBank, MBBank,…và có NHTM bị xếp thấp nhất chỉ ở mức 0,26 điểm. Ở nhóm Big4, cùng là các NHTM có vốn nhà nước, nhưng chỉ số ICT Index 2019 của Vietcombank và VietinBank lại thấp hơn khá nhiều, chỉ đứng thứ 18 và 22 trong hệ thống NHTM. VNBA (2020 - 2023)

2. Khuyến nghị giải pháp

Một là, các vụ cục, đơn vị chức năng thuộc NHNN Việt Nam, các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán khác, cần bố trí cán bộ theo dõi chủ động nắm bắt, nghiên cứu sự ra đời của các công nghệ mới, xu hướng phát triển của tiền kỹ thuật số, công nghệ ngân hàng số trên thế giới nói chung, một số đồng tiền số cụ thể, trong đó có Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc, trên cơ sở đó có chiến lược, biện pháp trong quản lý, chỉ đạo; lựa chọn giải pháp công nghệ, đầu tư vốn, đào tạo cán bộ, theo kịp sự phát triển của thế giới và khu vực về ngân hàng số.

Ba là, NHNN Việt Nam cũng như các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố cần tiếp tục tăng cường giám sát và cảnh báo rủi ro trong hoạt động thanh toán, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán.

Ba là, cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money), trình Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Thông báo số 250/TB-VPCP ngày 24/7/2020.

Bốn là, khẩn trương hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động ngân hàng công nghệ số, trước tiên cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các định hướng phát triển hoạt động thanh toán trong thời gian tới và nâng cao hiệu quả quản lý của NHNN đối với dịch vụ thanh toán.

Năm là, Chính phủ cần chỉ đạo NHNN chủ trì, tham mưu sớm tổng kết, đánh giá các Đề án, chương trình kế hoạch trong lĩnh vực thanh toán: kết quả triển khai phát triển TTKDTM giai đoạn 2016-2020, đề xuất giải pháp thúc đẩy TTKDTM giai đoạn 2021-2025; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, như: thuế, hải quan, điện, nước, học phí, viện phí;…đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới, thu phí giao thông đường bộ không dừng, bán lẻ xăng dầu; các trung tâm dịch vụ hành chính công, bảo hiểm và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Sáu là, tương tác kỹ thuật số tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. Những dữ liệu đó có thể được phân tích để đưa ra các kết luận có tính chính xác cao về nhu cầu của khách hàng. Đây là điểm các NHTM Việt Nam mạnh dạn cần tập trung đầu tư hơn nữa cho chuyển đổi số. Bên cạnh đó, đến nay ước tính mới có khoảng 30% dân số Việt Nam có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có 20% khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến. Từ đó có thể thấy, phát triển ngân hàng số còn rất nhiều tiềm năng, nhất là dân số trẻ chiếm tỷ trọng cao, số người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng cao, mạng Inernet ngày càng phủ kín với tốc độ cao, thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh. Các khách hàng của ngân hàng số có thể mang lại lợi nhuận khá cao cho các NHTM. Một số tính toán đã chỉ ra rằng, chi phí hoạt động cho ngân hàng số thấp hơn 67% so với dịch vụ dựa trên chi nhánh truyền thống và khách hàng của ngân hàng số có thể tạo ra doanh thu gấp đôi. Một trong những lý do là các khách hàng bán lẻ tương tác với ngân hàng qua các kênh kỹ thuật số thường xuyên hơn 16 lần so với các tương tác dựa trên chi nhánh. Ngoài ra, đây là dịp nâng cao cơ hội tiếp thị và bán chéo do được cung cấp bởi các kênh kỹ thuật số.

Tài liệu tham khảo:

 1. BIDV (2020 - 2023): “Báo cáo nghiên cứu thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô hàng tháng”, của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam -BIDV, tháng 12/2020; 12/2022; tháng 1-7/2023.

2. Cổng thông tin của Chính phủ (2022-2023); truy cập tại www.chinhphu.vn; các mục: văn bàn pháp quy, chỉ đạo điều hành; truy cập từ ngày 6 đến ngày 8/8/2023.

3. NHTM VN (2020 - 2023); Trang web của một số NHTM Việt Nam, truy cập 6 đến ngày 8/8/2023.

4. Napas (2021-2023): Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia: Báo cáo hoạt động năm 2020, 2021, 2022.

5. VNBA (2020 - 2023) – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, truy cập tại www.vbna.org.vn, các thông tin có liên quan các tháng trong các năm 2020-2023, , truy cập 6 đến ngày 8/8/2023.

TS. Phạm Ngọc Yến -  Trường Đại học Lao động Xã hội

TS. Nguyễn Mậu Sơn - BIDV Chi nhánh Cầu giấy

Tạp chí in số tháng 8/2024

Bạn đang đọc bài viết Tiền kỹ thuật số và phát triển ngân hàng số tại Việt Nam tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

MB dẫn dắt tương lai ngân hàng số với mô hình BAAS
Trong khuôn khổ sự kiện Ngày Chuyển Đổi Số Ngân Hàng 2024 với chủ đề "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) một lần nữa khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số khi chia sẻ về hành trình triển khai mô hình đột phá BaaS.