Tiến trình cổ phần hoá EVN, PVN và các "ông lớn" lĩnh vực năng lượng
TCDN - Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lược quốc gia của Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đặt mục tiêu xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong đó cổ phần các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực năng lượng là một phần trong việc thu hút khu vực tư nhân. Liên quan đến việc cổ phần hóa tập đoàn năng lượng lớn, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị quyết 55 trong tình hình mới, đặc biệt là khi Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm cũng như chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển đất nước trong 10 năm tới.
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải có chiến lược mới về năng lượng, được đặt chung trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để có những quyết sách và giải pháp đảm bảo yếu tố bền vững không chỉ cho an ninh năng lượng quốc gia mà còn có liên quan đến an ninh quốc gia, địa chính trị…
Một vấn đề khác cần đề cập tới là chiến lược này đưa ra khi mà trình độ phát triển của chúng ta đang được nâng cao, nhưng các khung khổ luật pháp, quy định, chính sách sau thời gian phát huy hiệu quả đã này sinh bất cập, tồn tại, cản trở sự phát triển năng lượng và an ninh năng lượng, bền vững của đất nước.
Hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia rất cần những quan điểm, định hướng mới phù hợp với chuyển biến chung của toàn cầu để từ đó có thể định hình phát triển đất nước.
Nghị quyết 55 đề cập đến nhiều nội dung mang tính đột phá trong đó có việc khuyến khích tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng. Việc tham gia của tư nhân trong lĩnh vực năng lượng thời gian qua ra sao và Nghị quyết 55 sẽ tạo những điều kiện như thế nào cho khu vực tư nhân?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể nói, chúng ta đã đạt được nhiều dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ phát triển năng lượng. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực điện năng, có 28% tổng công suất phát đến từ khu vực doanh nghiệp tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng và hiệu quả. Khu vực tư nhân với hàng loạt cơ chế chính sách nhà nước đã tạo được thế đứng trong lĩnh vực năng lượng.
Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đặc biệt có ý nghĩa. Bởi Nghị quyết không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường minh bạch thông thoáng cho các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng ở Việt Nam nói riêng. Nghị quyết 55 còn xác định rõ chiến lược về định hướng phát triển bền vững năng lượng quốc gia...
Một quan điểm rất mới và mang tính quyết sách trong Nghị quyết 55 là việc tiếp tục xem xét, xây dựng các trung tâm năng lượng tái tạo dựa trên nền tảng, lợi thế của công nghệ, vị trí địa lý cũng như tiềm năng của từng khu vực.
Có thể khẳng định Nghị quyết 55 đã mở ra cánh cửa mới, cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một xã hội với những cơ chế chính sách, kể cả khung khổ luật pháp để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trên tinh thần tiếp tục giải phóng các nguồn lực, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào thị trường năng lượng quốc gia.
Thưa Bộ trưởng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng nhắc đến việc đẩy nhanh cổ phần hóa, tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Việc này đã được tiến hành ra sao?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các doanh nghiệp lớn của Nhà nước đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng như: PVN, EVN, TKV... đã chứng minh được vai trò thiết yếu và quan trọng của mình trong phát triển năng lượng, cũng như phát triển đất nước. Các doanh nghiệp này đã chủ động tái cơ cấu, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như đảm bảo hạ tầng quan trọng năng lượng cho đất nước. Chúng ta cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Cho đến nay, chúng ta đã đi được những bước rất cơ bản trong việc tái cơ cấu tập đoàn điện lực, các đơn vị trong tập đoàn để tạo thuận lợi cho việc hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, sau đó là bán buôn điện cạnh tranh. Chúng ta đang ở giai đoạn cuối, chuẩn bị tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Như vậy, các cơ cấu biểu đồ quốc gia sẽ được tách ra khỏi tập đoàn, các tổng công ty phát điện sẽ được cổ phần hóa, tạo ra cơ chế cho bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh. Như vậy, một thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo ra môi trường minh bạch để mọi thành phần kinh tế, người dân được hưởng lợi. Nhưng đồng thời cũng tạo nền tảng kinh tế thị trường vận hành hiệu quả, đảm bảo các yếu tố cho những phân ngành kinh tế khác được hạch toán, tính toán đầy đủ.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại khó khăn trong việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty trong ngành điện, cũng như dầu khí... Vướng mắc lớn nhất qua thực tiễn có thể thấy là liên quan đến hướng dẫn, quy định của luật pháp về giá trị doanh nghiệp và giá trị của đất đai, khung pháp lý hướng dẫn xây dựng giá trị doanh nghiệp… Điều này cũng là thực tế vì luật pháp đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện nên cũng bộc lộ nhiều bất cập. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện khung pháp lý, có những hướng dẫn cụ thể.
Tôi hy vọng để đón đầu Nghị quyết 55, công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, cũng như việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh sẽ có những thuận lợi và được thực hiện hiệu quả.
Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Lao động
email: [email protected], hotline: 086 508 6899