"Tiếp máu" cho nền kinh tế chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

08/11/2021, 19:16

TCDN - Đại biểu Quốc hội cho rằng khi dư địa của chính sách tiền tệ là không còn nhiều, biện pháp "tiếp máu" cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2021, tình hình và kế hoạch thực hiện ngân sách nhà nước cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thảo luận  về các vấn đề kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 8/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn địa biểu Hà Nội) đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới.

Theo đó, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc đề nghị bên cạnh các chính sách về tài khóa, về tiền tệ, về an sinh xã hội, chúng ta phải áp dụng một giải pháp phi tài chính như rút gọn các thủ tục, quản trị rủi ro chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến...

Về việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, theo ông Lộc, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng cho nên hàm chứa nhiều rủi ro; Do vậy, khi dư địa của chính sách tiền tệ là không còn nhiều, biện pháp "tiếp máu" cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

Đại biểu bày tỏ kỳ vọng với chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2 đến 3% lãi suất cũng như là việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất, theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Còn đối với gói đầu tư công, đại biểu Lộc lại lo ngại, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn và rất cấp thiết nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả.

Đại biểu đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại, bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.

“Không một gói hỗ trợ nào có thể bù đắp nổi các thiệt hại to lớn về tính mạng và vật chất tinh thần mà người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu thời gian qua. Dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính rất cấp bách, tôi vẫn tha thiết đề nghị chúng ta không thể lơ là nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để phát huy sức mạnh toàn dân, để nền kinh tế nước ta không 'lỡ nhịp, lỡ thì' với thiên hạ”, đại biểu đoàn Hà Nội kiến nghị.

Theo ông, chính niềm tin vào các cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất, chứ không phải các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Bày tỏ lo ngại về mục tiêu tăng trưởng, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm nay với mức 3-3,5% là khó đạt được. 

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Ảnh: VGP.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Ảnh: VGP.

Đại biểu Lê Thanh Vân còn cho biết thêm, năm ngoái Việt Nam cũng bị đại dịch tấn công với cường độ không mạnh như bây giờ, cũng chỉ đạt được 2,91%.

Đề cập tới chỉ tiêu GDP năm sau với kỳ vọng 6-6,5%, đại biểu Vân cũng cho rằng nên đánh giá một cách cẩn trọng hơn. Bởi từ nay đến tháng 6 năm sau chúng ta phải có một giai đoạn phục hồi từ đó mới phát triển được.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và công trình dang dở.

PV
Bạn đang đọc bài viết "Tiếp máu" cho nền kinh tế chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hôm nay, Quốc hội thảo luận ngân sách nhà nước
Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024…